Môn Lịch sử lớp 6, 7, 8, 9 thường bị các con “e sợ” vì đặc trưng của nó là phải ghi nhớ nhiều sự kiện. Do đó để việc học Lịch sử bớt nhàm chán, cha mẹ hãy hướng dẫn cho con nhiều cách học khác nhau thay vì cố nhồi vào đầu con những kiến thức dài dằng dặc trong sách. Nếu phụ huynh đang muốn tạo niềm hứng khởi cho con mình trong việc tiếp cận môn Lịch sử ở bậc học THCS, những gợi ý dưới đây có thể sẽ khá hữu ích.
Mục lục
1. Cùng con xây dựng thời gian biểu và thực hiện nghiêm túc
Môn Lịch sử vốn vẫn được xem là môn phụ, không quan trọng nên ít được các con chú ý đến. Vì vậy việc đầu tiên cha mẹ cần làm chính là phân tích cho con thấy tầm quan trọng của việc học Lịch sử, sau đó cùng con xây dựng thời gian biểu cho môn này để con chú tâm hơn trong việc học.
Thời gian biểu sẽ giúp các con khống chế thời gian làm việc cho hợp lý và khoa học. Các con ở lứa tuổi lớp 6 – 9 đã ở độ tuổi dậy thì, do đó cha mẹ hãy cùng con bàn bạc, nghiên cứu và chỉnh sửa thời gian biểu sao cho phù hợp nhất. Đừng nên áp đặt việc học của con. Nhưng khi đã có thời gian biểu thì cương quyết thực hiện theo càng chính xác càng tốt.
2. Học Lịch sử theo Sách giáo khoa và công thức 5W – 1 How
Sách giáo khoa chính là tài liệu cơ bản và quan trọng nhất để học môn Lịch sử. Gần như tất cả mọi kiến thức con cần nắm đều đã nằm trong sách giáo khoa. Cha mẹ nên quan tâm tới chương trình học trong sách của con và hướng dẫn con phương pháp ôn lại bài trên lớp một cách khoa học nhất.
Vì đặc thù của môn Lịch sử là rất nhiều sự kiện, mộc thời gian, nhân vật… cần ghi nhớ, do đó cha mẹ nên hướng dẫn con tóm lược ý chính nội dung của từng phần, lọc ra từ khoá,… sau đó, hãy hệ thống chúng bằng công thức 5W – 1 How.
Công thức “5W – 1 How” là viết tắt của các “từ khóa” trong tiếng Anh, gồm: What – sự kiện gì đã xảy ra, When – sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who – sự kiện gắn liền với ai – nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào…, Where – gắn với địa điểm, không gian nào và How – diễn ra như thế nào. Việc vận dụng công thức 5W – 1 How này giúp các con hình dung cụ thể về những vấn đề xoay quanh một sự kiện, không bị nhầm lẫn với sự kiện khác.
3. Học Lịch sử bằng hình ảnh trực quan
Nếu những kiến thức trong sách khá nhàm chán và không khiến con cảm thấy thích thú, cha mẹ có thể gợi ý cho con cách học Lịch sử bằng hình ảnh trực quan, sinh động chắc chắn sẽ khiến cho việc học Lịch sử mỗi ngày trở nên thú vị, cuốn hút hơn. Chỉ cần đọc, xem rồi kiến thức sẽ thẩm thấu vào trí nhớ của các con một cách rất tự nhiên và không hề bị nhàm chán. Một vài gợi ý như sau:
- Hãy cùng con sưu tập hình ảnh về các trận đánh, nhân vật, sau đó ghi nội dung lên và dán ở những nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà.
- Cha mẹ cũng có thể để con đọc những cuốn sách về Lịch sử đã được “mềm hóa” bằng những câu chuyện, hình ảnh…
- Cuối tuần, có thể dẫn con tới Bảo tàng để thấy tận mắt những hiện vật còn sót lại của các giai đoạn Lịch sử hào hung của dân tộc. Điều này sẽ khơi gợi niềm hứng thú đối với môn Lịch sử của con bạn.
4. Học Lịch sử qua Internet
Hiện nay là các em học sinh lớp 6, 7, 8, 9 có thể dành rất nhiều thời gian cho Internet nhưng lại không thể tập trung khi ngồi vào bàn học trên sách vở. Do đó cha mẹ có thể tận dụng kênh này để khơi gợi hứng thú học của các con. Nếu như bình thường học sinh học lịch sử thường phải tưởng tượng, thì với những bài giảng trên Youtube, những diễn đàn trao đổi trên Facebook. học sinh có thể tiếp cận với lịch sử gần hơn, dễ hơn, từ đó học sinh cảm thấy yêu lịch sử hơn.
Năm 2015, các thầy cô trường THCS Trương Hán Siêu (Hà Nội) đã nảy ra ý tưởng và xây dựng fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ”, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao hứng thú học tập môn lịch sử. Trên Facebook cũng có rất nhiều trang tương tự chứa đựng nhiều kiến thức về lịch sử được lấy từ nguồn tư liệu trong sách giáo khoa và các nguồn trên mạng được các thầy cô kiểm duyệt và đăng lên trang sao cho phù hợp với chương trình học.
Còn trên Youtube, có hàng loạt kênh về Lịch sử được biên tập dưới dạng audio hay video để các con có thể nghe và ghi nhớ các sự kiện, nhân vật… Thay vì dạy diễn biến những trận đánh chống giặc ngoại xâm hào hùng trong lịch sử của cha ông một cách khô khan, khó hiểu, thì giờ đây diễn biến những trận đánh đó được thể hiện thông qua những lược đồ được đồ họa với nhiều hiệu ứng sinh động.
5. Hướng dẫn con cách xâu chuỗi các sự kiện Lịch sử
Nhiều người vẫn có quan điểm cho rằng Lịch sử là một môn học về quá khứ, nhiều sự kiện, ít tính tư duy. Do đó, việc dạy và học hiện nay đối với bộ môn này cũng thiên về việc học thuộc lòng. Nhưng thực tế, Lịch sử lại là môn học cần sự xâu chuỗi và tư duy logic để hiểu bản chất của sự kiện vì những sự kiện Lịch sử bao giờ cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những sự kiện lịch sử diễn ra đều có thời gian, địa điểm, con người, nội dung, kết quả, ý nghĩa…
Cho nên, để hiểu được bản chất của một sự kiện lịch sử đòi hỏi người học không chỉ ghi nhớ thời gian hoặc nội dung sự kiện mà còn phải đặt sự kiện lịch sử đó vào trong hoàn cảnh cụ thể để có hệ quy chiếu chuẩn xác nhất. Vì vậy ngay từ khi con bước vào lớp 6, cha mẹ đã nên hướng dẫn con cách xâu chuỗi các sự kiện chứ không phải chỉ đến năm lớp 9 mới “vắt chân lên cổ” để ôn thi cho kỳ thi vào lớp 10. Các con cần chủ động ghi nhớ kiến thức cơ bản, học xong bài nào nắm vững kiến thức bài đó, tránh trường hợp “để dành” dồn đến khi thi mới học dẫn đến tình trạng bị quá tải.
6. Hướng dẫn con mẹo học thuộc nhanh và nhớ lâu
Việc đầu tiên các con cần làm là ghi lại những mốc thời gian quan trọng. Sau đó căn cứ vào mốc thời gian để học các sự kiện đi kèm. Một “mẹo” để nhớ lâu mốc thời gian là nên học các sự kiện theo chiều dọc của kiến thức. Sự kiện nào diễn ra trước nên học trước, để các kiến thức được xâu chuỗi với nhau. Đây cũng là cách khiến cho mớ kiến thức không bị rối rắm, khiến việc học khó hơn.
Thêm nữa, để ghi nhớ một mốc sự kiện đó thật lâu, cha mẹ có thể hướng dẫn con cách liên hệ các mốc thời gian trùng với những sự kiện gắn liền với đời sống của mình như sinh nhật của bản thân, bố, mẹ hay bạn bè, ngày tốt nghiệp tiểu học…Đồng thời bản thân các bạn học sinh cũng nên thường xuyên theo dõi báo đài để nắm được những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc cũng như thế giới.
Để nhớ nhanh và chắc nội dung các bài, các con nên vận dụng sơ đồ tư duy riêng cho mỗi bài. Khi học theo sơ đồ tư duy, các con sẽ sao chép hình ảnh vào trong não bộ và nhớ được kiến thức một cách chắc chắn nhất, tránh được tình trạng học vẹt, quên một chữ đầu là quên cả bài. Môn Lịch sử lâu nay học sinh THCS thường học thuộc lòng nên tình trạng học trước quên sau rất phổ biến, từ đó chính các con cảm thấy bị áp lực và “chán ngán” với môn học này.
Với những bí quyết https://giasuviet.com.vn/ vừa chia sẻ trên đây. Hy vọng cha mẹ có thể khơi dậy được niềm yêu thích với môn Lịch sử và đạt được kết quả cao nhất trong mỗi kỳ thi. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng rất nên tạo điều kiện để con có thời gian rảnh vui chơi, nghỉ ngơi. Việc thư giãn, giải trí, thể thao rất quan trọng ở lứa tuổi THCS, là điều kiện để con phát triển đồng đều cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn nên cha mẹ không thể bỏ qua.
Tham khảo thêm:
♦ Top 10 địa chỉ cung cấp gia sư Văn tại Hà Nội chất lượng nhất
♦ Cách dạy con học giỏi môn Văn THCS cực hay dành cho cha mẹ
♦ Cách học giỏi môn Lịch Sử lớp 10, 11, 12 dành cho học sinh THPT
Để lại bình luận