Nhiều cha mẹ quan niệm rằng việc nhà là của người lớn, trẻ con chỉ cần chăm chỉ học tập và đạt thành tích tốt là được chứ không cần thiết phải làm việc nhà. Tuy nhiên, biết cách thực hiện các công việc hàng ngày cho gia đình là một kỹ năng sống cực kì cần thiết đối với trẻ. Đây là một nền tảng để chúng thích nghi và hòa nhập với cuộc sống rộng lớn hơn. Vậy cách dạy trẻ làm việc nhà để học hỏi kỹ năng sống như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết được tổng hợp từ Gia Sư Việt nhé.
Mục lục
I. Con bạn sẽ thu được điều gì khi làm việc nhà?
1. Rèn luyện tính tự lập
Tự lập là khả năng quan trọng trong cuốc sống của con người, một người biết tự lập thì sau này sẽ biết cách làm chủ cuộc sống. Không phải việc gì trong nhà cũng có người làm thay con được, mà mỗi người một việc, khi bố mẹ bận rộn hay đi vắng thì việc con phải tự biết cách gấp chăn màn, tự cắm cơm, tự dọn dẹp phòng ngủ,… là điều không thể thiếu. Khi con biết làm việc nhà nghĩa là trẻ cũng sẽ biết tự chăm sóc bản thân mình và chủ động làm được mọi thứ khi chỉ có một mình, nên việc nhà sẽ tác động đến tính tự lập của trẻ.
2. Trở nên có trách nhiệm
Khi trẻ tham gia công việc nhà thì trẻ sẽ có trách nhiệm với gia đình, trẻ biết được lao động là vất vả như thế nào và hình thành ý thức coi trọng thành quả của lao động. Nhà là nơi tất cả các thành viên cùng chung sống, vì vậy nên việc chăm sóc nó là trách nhiệm của tất cả mọi người. Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, như tưới cây, quét nhà, lau dọn bàn ghế, rửa cốc chén,… vô cùng nhẹ nhàng mà lại đóng góp một phần to lớn đến việc xây dựng tổ ấm chung. Khi trẻ đảm đương tốt được những trách nhiệm đó ở nhà thì lúc đi học hay ra ngoài xã hội cũng rất tháo vát và có trách nhiệm với cộng đồng xung quanh mình.
3. Phát triển tư duy
Việc biết cách sắp đặt mọi việc trước sau sẽ giúp trẻ hình thành một tư duy logic, cách suy nghĩ thực tế và hiệu quả để giải quyết vấn đề. Chỉ đơn giản như việc rửa bát thôi, nhưng trẻ cũng cần biết các bước tuần tự như tráng sơ với nước, rửa cùng nước rửa chén, tráng sạch và úp lên cho bát khô. Với mỗi công đoạn lại cần có cách xử lí và quy chuẩn riêng để kết quả cuối cùng được tốt nhất. Tương tự, việc nào cũng thế, cần sự suy nghĩ thấu đáo và tư duy sáng tạo để tìm ra cách giải quyết ít tốn công sức nhưng lại đạt hiệu quả cao cho mình.
4. Gắn kết với gia đình
Bởi việc nhà là việc của chung, tất cả các thành viên đều thực hiện nên nó cũng sẽ là sợi dây liên kết để mọi người cùng san sẻ và có những khoảnh khắc đời thường ý nghĩa cùng nhau. Khi cha mẹ nấu ăn thì con có thể giúp nhặt rau, vo gạo,…, khi con lúng túng chưa biết quét nhà sao cho sạch hay làm rơi vỡ bát lúc rửa thì cha mẹ sẽ hướng dẫn và đưa ra lời khuyên cho con để làm việc đó tốt hơn. Chính từ những việc rất nhỏ như vậy mà chúng ta hiểu thêm về tính cách của nhau, và đi kèm với cảm giác cùng hoàn thành những nhiệm vụ chung sẽ là chất keo rất tuyệt vời để gắn kết gia đình.
II. Mách bạn cách dạy trẻ làm việc nhà hợp lý nhất
1. Giúp trẻ hiểu ý nghĩa của việc nhà
Chắc chắn con bạn sẽ thắc mắc và muốn biết “Vì sao mình cần làm công việc này?”. Vậy nên, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu lý do con cần phải làm việc nhà. Con đang sống trong một tập thể vì thế con cần có nhiệm vụ, nghĩa vụ là làm những công việc để góp phần vào sự phát triển chung của cả nhà và chính bản thân mình. Việc có ý thức làm việc nhà sau này sẽ giúp ích cho con rất nhiều trong cuộc sống nên thật không có lí do gì để chúng ta cùng bắt tay vào giúp đỡ mọi người.
2. Tạo hứng thú khi làm việc nhà
Trong lúc làm việc nhà có thể cho các con nghe nhạc vừa tinh thần thư giản, thoải mái. Nhiều khi làm việc nhà chính là một công cụ để giải tỏa stress, căng thẳng, giúp cả bé và gia đình lấy lại được tinh thần, năng lượng. Bạn nên dành những lời khen và khích lệ để con có thêm sức mạnh và cảm thấy công việc mình làm rất có ý nghĩa. Thậm chí, nhiều nhà còn coi công việc nhà như một phần thưởng cho con khi con làm được gì đó tốt, chẳng hạn giúp đỡ bà cụ qua đường, đạt điểm cao, chăm chỉ làm xong bài tập sớm,… Qua đó trẻ thấy rằng việc nhà không phải một nghĩa vụ, mà nó là quyền lợi và là niềm vinh dự lớn lao của mình khi được chung tay với mọi người.
3. Lên kế hoạch cho các công việc
Lên kế hoạch sắp xếp thời gian biểu hợp lí để con có thể dễ nhớ là mình cần phải làm những gì trong ngày, trong tuần và trong tháng… Cách lên kế hoạch cho công việc vừa giúp con có thể biết được công việc cần làm, vừa tạo thói quen tốt, để cứ đến giờ là các con tự giác làm mọi việc mà không cần phải nhắc nhở. Vì khi trẻ còn bé, việc học và việc thực hiện công việc nhà có thể chia đôi thời gian như nhau, nhưng khi trẻ lớn dần và phải tập trung vào nhiều mối quan tâm khác thì việc nhà sẽ chỉ còn là một phần nhỏ. Lúc đó, nếu trẻ đã có thói quen tốt và thời gian biểu sắp xếp hợp lí cho mọi thứ thì việc nhà sẽ không bị bỏ qua.
4. Lựa chọn việc phù hợp với độ tuổi
Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: Ở độ tuổi này, cha mẹ nên hướng cho bé làm những công việc để bé hình thành nhận thức về nếp sống quy củ và có các thói quen tốt nhằm phục vụ được cho chính bản thân mình, như: tự thu dọn đồ chơi vào giỏ sau khi chơi xong, tự sắp xếp phòng ngủ cho gọn gàng,…
Trẻ từ 6 đến 8 tuổi: Ở giai đoạn này, các công việc có thể dần phức tạp hơn và yêu cầu nhiều tinh thần trách nhiệm hơn để giúp đỡ được người khác như: phụ mọi người lau dọn bàn ăn, quét nhà, phơi quần áo cùng cha mẹ, đổ rác,… Các bậc phụ huynh nên rủ trẻ thực hiện các công việc nhà với mình như một cách để vừa chơi đùa và vừa cho con có thói quen biết giúp đỡ người khác.
Trẻ từ 9 trở lên: Đến giai đoạn này thì có lẽ là trẻ đã phải hoàn thiện mọi kĩ năng để “việc gì cũng biết làm và làm tốt”. Từ rửa bát, nhổ cỏ, dọn vườn, nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa,… trẻ đều cần nắm được cách làm và có thể cải thiện độ hiệu quả theo thời gian. Ngoài ra, trẻ cần được dạy để biết chủ động nhìn thấy việc cần giải quyết và làm chúng kể cả khi không có sự sai bảo từ người khác.
Kết luận: Làm việc nhà sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều, đặc biệt là trẻ biết chăm sóc bản thân mình và biết mình cần phải làm gì. Vì thế, các phụ huynh hãy áp dụng cách dạy trẻ làm việc nhà cho con mình ngay hôm nay. Cha mẹ không nên nuông chiều con, không cho trẻ làm bất cứ việc gì vì điều đó sẽ khiến trẻ trở nên thụ động, ỷ lại và lười biếng. Làm việc chính là một cách để học tập, hơn nữa còn là cách học cực kì hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu trẻ có thể duy trì việc học các môn ở trường thật tốt nữa thì quá tuyệt vời. Các phụ huynh muốn tìm gia sư phù hợp cho con để kèm cặp bé tiến bộ có thể liên hệ ngay với Gia Sư Việt qua Hotline 096.446.0088 – 090.462.8800 để được chúng tôi hỗ trợ nhé!
Tìm hiểu thêm:
♦ 7 phương pháp giúp trẻ Tiểu học giỏi Toán cha mẹ nên biết
♦ Top 6 trung tâm gia sư huyện Đông Anh được tin tưởng nhất
♦ Áp dụng kỉ luật không nước mắt với con ra sao cho hiệu quả?
Để lại bình luận