Lịch sử luôn được xem là môn khó nhằn vì có quá nhiều kiến thức, dữ kiện, mốc thời gian phải nhớ. Không phải ngẫu nhiên tại các kỳ thi THPT quốc gia vài năm gần đây, Lịch sử luôn đứng bảng chót với tỷ lệ thí sinh đăng ký thấp nhất. Thậm chí nhiều trường tại các thành phố lớn, không có học sinh nào đăng ký môn thi này. Nhưng Lịch sử có quá khó? Bí quyết nào để việc học Lịch sử trở nên dễ dàng hơn? Các bạn hãy lắng nghe những chia sẻ cách học giỏi môn Lịch sử lớp 10,11,12 dành cho học sinh THPT trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Bí quyết 1: Hãy bám sát sách giáo khoa
Nếu như những môn học khác, chẳng hạn Ngữ văn, các bạn cần tới nhiều loại sách tham khảo khác nhau thì với môn Lịch sử, chỉ cần học và ghi nhớ những kiến thức trong sách giáo khoa là đủ để bạn đạt điểm tuyệt đối trong mọi kỳ thi rồi. Trên thực tế, đề thi môn Lịch sử của tất cả kỳ thi những năm qua, phạm vi kiến thức nằm trong chương trình lớp 10,11,12, mức độ câu hỏi chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu, không có câu hỏi vận dụng cao.
Hiện nay, phần lớn đề thi môn Lịch sử ở bậc THPT đều là đề thi dạng trắc nghiệm, số lượng 40 câu hỏi nên sẽ có mặt ở mọi chuyên đề mà các bạn được học ở lớp. Ví dụ đề thi dành cho học sinh lớp 12 sẽ từ lịch sử thế giới ( 1945 – 2000 ) và lịch sử Việt Nam ( 1919-2000 ), trong đó, tỉ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%. Rõ ràng với cấu trúc và hình thức đề thi như vậy, yêu cầu đầu tiên đối với học sinh là cần bám sát chương trình sách giáo khoa để ôn tập. Bạn cần đọc kỹ sách giáo khoa, trả lời các câu hỏi cuối bài, chú ý đọc bài tổng kết để khái quát kiến thức.
Bí quyết 2: Ghi nhớ theo sơ đồ hình cây
Không chỉ với môn Lịch sử, học theo sơ đồ cũng là cách học hiệu quả có thể áp dụng cho nhiều môn học khác. Vì đặc thù của môn Lịch sử là rất nhiều sự kiện, mốc thời gian, nhân vật… cần ghi nhớ, do đó bạn nên tóm lược ý chính nội dung của từng phần, lọc ra từ khoá,… sau đó, hãy hệ thống chúng bằng sơ đồ cây. Ý chính rồi đến ý phụ, ý lớn rồi đến ý nhỏ… cách hệ thống kiến thức ngắn gọn này sẽ khiến bạn dễ nhớ hơn rất nhiều.
Bạn có thể chia sơ đồ cây ra thành từng giai đoạn để học và học một cách dứt điểm. Chẳng hạn toàn bộ Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930 – 1975 có thể chia thành nhiều giai đoạn nhỏ hơn: Từ khi Đảng Cộng sản thành lập đến trước Cách mạng Tháng 8 (1930 – 1945), Kháng chiến chống Thực dân Pháp (1946 – 1954), Kháng chiến chống Đế quốc Mỹ (1955 – 1975)…. Rõ ràng bạn không thể nhớ một lúc quá nhiều thứ được, nên để dễ dàng hơn, hãy phân chia nó thành từng phần hợp lý rồi “cày”.
Bí quyết 3: Ghi nhớ mốc thời gian thật chính xác
Việc đầu tiên cần làm là ghi lại những mốc thời gian quan trọng. Sau đó căn cứ vào mốc thời gian để học các sự kiện đi kèm. Một “mẹo” để nhớ lâu mốc thời gian là bạn nên học các sự kiện theo chiều dọc của kiến thức. Sự kiện nào diễn ra trước nên học trước, để các kiến thức được xâu chuỗi với nhau. Đây cũng là cách khiến cho mớ kiến thức không bị rối rắm, khiến việc học khó hơn.
Thêm nữa, đối với những sự kiện quan trọng, bạn bắt buộc phải nhớ chính xác mốc thời gian, bao gồm ngày/ tháng/ năm. Thế nhưng, với nhiều sự kiện nhỏ, bạn chỉ cần nhớ một cách tương đối, ví dụ như đầu/ giữa/ cuối của tháng trong năm nào đó, vì đầu óc của chúng ta cũng không thể nhớ được tất cả. Dù vậy thì tốt nhất vẫn là hãy cố gắng ghi nhớ thật chi tiết thì dễ được điểm cao hơn.
Bí quyết 4: Học Lịch sử qua Facebook và Youtube
Một thực tế là hiện nay nhiều bạn học sinh lớp 10, 11, 12 có thể dành rất nhiều thời gian cho Facebook và Youtube nhưng lại không thể tập trung khi ngồi vào bàn học trên sách vở. Vậy thì tại sao chúng ta không thể tận dụng 2 kênh này để học Lịch sử một cách hiệu quả. Trên Facebook có rất nhiều nhóm, diễn đàn liên quan đến Lịch sử. ví dụ trang “Lịch sử Việt Nam” có 32.000 thành viên, và họ thường xuyên có những bài viết về các cuộc chiến tranh giữ nước của Việt Nam theo hướng “mềm hóa” chứ không cứng nhắc như sách giáo khoa.
Còn trên Youtube, có hàng loạt kênh về Lịch sử được biên tập dưới dạng audio hay video để bạn có thể nghe và ghi nhớ các sự kiện, nhân vật… Xem những trận đánh, hình ảnh lịch sử, nhân vật lịch sử… chắc chắn sẽ dễ nhớ hơn, dễ hình dung hơn so với những kiến thức khô khan trong sách. VTV7 – Kênh truyền hình giáo dục quốc gia cũng thường xuyên có chương trình dạy về Lịch sử một cách dễ nhớ, dễ thuộc.
Như vậy, không phải lúc nào bạn cũng giáo điều tuân thủ hoàn toàn sách giáo khoa mà phải biết tìm hiểu, tham khảo các nguồn thông tin khác như sách báo, internet, tài liệu lịch sử… Điều này khiến cho việc học Lịch sử mỗi ngày trở nên thú vị, cuốn hút hơn. Chỉ cần bạn cứ đọc, xem rồi kiến thức sẽ thẩm thấu vào trí nhớ của mình một cách rất tự nhiên và không hề bị nhàm chán.
Bí quyết 5: Học ý chính, và tư duy một cách logic
Rõ ràng mốc thời gian và sự kiện là những kiến thức quan trọng nhất của môn Lịch sử. Vì vậy học Sử chỉ cần học những ý chính, không cần chú tâm vào câu chữ vì câu chữ thì bạn có thể tự nghĩ và viết ra được. Đối với các mốc thời gian, bạn có thể ghi khoảng thời gian nào đó của năm nhưng không thể ghi sai, bởi ghi sai thời gian thì chắc chắn là không có điểm.
Học Sử không thể học vẹt, học thuộc lòng mà phải hiểu và phân tích được sự kiện theo logic. Lịch Sử là dòng chảy thời gian, những sự kiện lịch sử chắc chắn là có tác động qua lại với nhau. Khi học các sự kiện, các bạn phải tìm cách lắp ghép xem nó có liên hệ với nhau như thế nào? Rồi xem lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong giai đoạn đó có xảy ra chuyện gì, sự kiện của thế giới tác động đến Việt Nam như thế nào?….
Bí quyết 6: Chú ý tính chất thời sự của lịch sử
Lịch sử không chỉ là quá khứ, mà những sự kiện của Lịch sử luôn ảnh hưởng tới hiện tại và tương lai của một quốc gia, dân tộc. Ví dụ khi bạn xem chương trình thời sự, có một đoạn nhắc lại Chiến tranh Việt Nam giai do một lính Mỹ kể lại, hãy liên hệ với những gì bạn đã được học và phân tích vấn đề. Hoặc xem những buổi lễ kỷ niệm một sự kiện nào đó, hãy tìm hiểu về sự kiện đó và những mốc thời gian, nhân vật liên quan. Đặc biệt đề thi Sử ngày ngày càng có hơi hướng mở liên quan đến các vấn đề nóng hổi, tập trung vào tình hình gần đây.
Có thể bạn sẽ thấy việc ghi nhớ lịch sử cũng hơi khó khăn vì quá nhiều sự kiện, nhưng thực chất giữa các năm luôn có sự liên kết… Với một số bạn, học Lịch sử trên lớp là hiệu quả nhất, nhưng với số khác thì chỉ có khoảng thời gian đêm khuya bạn mới có thể tập trung để học môn Lịch sử. Do đó bạn cũng nên lựa chọn khoảng thời gian hợp lý nhất để ôn luyện.
Và cuối cùng, khi đã quyết định học nội dung gì thì nhất định phải dứt điểm nội dung đó, vì nếu như hôm nay không học, ngày mai bạn sẽ phải học nhiều hơn thôi! Lịch sử có một đặc thù, là những sự kiện luôn đi theo chuỗi, gắn liền trong từng giai đoạn. Vậy nên, bạn không thể học cái này, bỏ cái kia rồi lần sau quay lại được, bởi sẽ rất khó để bạn ghi nhớ. Chúc các bạn thành công và đạt kết quả cao với môn Lịch sử.
Tham khảo thêm:
♦ Cách học giỏi môn Văn lớp 10, 11, 12 dành cho học sinh THPT
♦ Cách học giỏi môn Địa lý lớp 10, 11, 12 dành cho học sinh THPT
Để lại bình luận