Trong 3 môn Văn, Sử, Địa thì Địa lý luôn được xem là môn học “cứu cánh” vì không cần ghi nhớ quá nhiều như môn Lịch Sử, cũng không cần phải có năng khiếu về ngôn từ như môn Ngữ Văn. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng học giỏi môn Địa Lý ngay từ lớp 10 để tạo tiền đề cho việc đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi THPT quốc gia nhé.
Hiện nay, chương trình Địa lý bậc THPT chủ yếu các kỳ thi diễn ra dưới hình thức thi trắc nghiệm khiến một số học sinh lúng túng trong phương pháp học và cách ôn tập. Tuy nhiên, nếu nắm rõ kiến thức thì dù với kiểu thi nào các bạn học sinh vẫn có thể đạt kết quả cao. Bài viết dưới đây, Gia Sư Việt – https://giasuviet.com.vn/ xin đưa ra một vài bí quyết giúp học tốt môn Địa lý lớp 10, 11, 12 ở bậc THPT.
Mục lục
1. Cố gắng nắm chắc lý thuyết ngay tại lớp
Việc tập trung vào bài giảng sẽ giúp bạn dễ dàng nắm chắc kiến thức ngay tại lớp, bởi Địa Lý là môn đòi hỏi sự tư duy logic cao, bạn không nắm rõ một bài thì rất có thể những bài tiếp theo cũng sẽ không hiểu. Với những bài học có nội dung dài hoặc có mối liên hệ với nhau thì nên tóm tắt bằng sơ đồ hình xương cá nhằm hệ thống, khái quát kiến thức cơ bản.
Chúng ta có ba phần chính là: Địa lý tự nhiên và dân cư; Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý vùng kinh tế. Trong mỗi phần này lại chia ra từng bài, trong từng bài lại có từng ý lớn. Như vậy, sau khi đã có được khung của toàn chương trình, học sinh đã có được một hình dung về những nội dung cơ bản mà mình cần ôn tập để “đắp thịt” vào.
2. Rèn luyện lối tư duy tổng hợp và logic
Để không bị quên kiến thức hãy tập cho mình lối tư duy khái quát. Chẳng hạn trong chương trình học Địa lý lớp 12 sẽ có 2 phần chính là Địa lý tự nhiên và Địa lý xã hội. Phần đầu của chương trình học lớp 12 môn Địa phân tích các yếu tố tự nhiên – xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm của nông nghiệp, công nghiệp và ngư nghiệp. Còn phần sau đi vào phân tích các thành phần tự nhiên, xã hội, mạnh yếu của 7 vùng lãnh thổ khác nhau.
Tuy nhiên, không chỉ nắm kiến thức tổng quát, để học giỏi môn Địa lý, các bạn học sinh không nên học tách rời hai phần này hay học tủ 7 vùng kinh tế mà nên nắm chắc cả hai phần vì chúng có thể bổ sung cho nhau. Phần 1 bổ sung cho phần 2 và ngược lại phần 2 chính là những minh chứng cụ thể cho phần 1.
Cụ thể, khi tìm hiểu các điều kiện phát triển của các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản),… bao giờ cũng phải lưu ý điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội, chú ý nêu thêm một số các hạn chế, khó khăn về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội đối với việc phát triển ngành kinh tế đó.
Khi học về địa lý các vùng kinh tế, cần xác định được vị trí địa lý ( tiếp giáp vùng nào, nước nào, có giáp biển không,…) qua đó đánh giá về ý nghĩa của vị trí đó trong phát triển kinh tế vùng. Đồng thời nắm được việc phát huy các thế mạnh kinh tế từng vùng, những hạn chế cần khắc phục.
3. Rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat
Atlat là công cụ học tập vô cùng hiệu quả đối với môn Địa Lý, và bạn phải cố gắng tận dụng tối đa kỹ năng sử dụng Atlat. Khi dùng Atlat bạn cần ghi nhớ một số nguyên tắc cơ bản:
- Tìm hiểu tình hình sản xuất (tình hình phát triển) của một ngành, ta chủ yếu khai thác các biểu đồ tương ứng trong Atlat.
- Tìm hiểu về đặc điểm phân bố thì xác định dựa trên bản đồ, để thấy sự phân bố theo vùng và theo các tỉnh.
4. Rèn luyện kỹ năng lập biểu đồ, phân tích
Đối với môn Địa lý bậc THPT, kể cả lớp 10, 11 hay 12, bài tập về biểu đồ là không thể thiếu. Do đó bạn cần rèn luyện kỹ năng nhận dạng các loại biểu đồ, loại câu hỏi nào sẽ tương ứng với loại biểu đồ nào cũng như tập vẽ thật thành thạo các dạng biểu đồ: tròn, cột, đường, miền và kết hợp… Cụ thể như sau:
Biểu đồ tròn: Thể hiện quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỷ lệ % tương đối)
Biểu đồ cột chồng: Thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỷ lệ % tuyệt đối)
Biểu đồ cột đơn: Thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm
Biểu đồ cột kép: Thể hiện sự so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị quan một số năm
Biểu đồ đường: Thể hiện sự diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm
Biểu đồ đường kết hợp với cột: các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc so sánh các đối tượng với cùng một đối tượng chung
Biểu đồ miền kết hợp với đường: Thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỷ lệ xuất và nhập, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ lệ sinh tử…
Sau khi đã lập xong biểu đồ, bạn cần rèn luyện cả kỹ năng nhận xét bảng số liệu: có thể nhận xét khái quát trước rồi đi vào chi tiết sau, chú ý các mốc cao nhất – thấp nhất, sự thay đổi đột ngột và nhận xét phải đi đôi với số liệu chứng minh. Trong việc phân tích biểu đồ nhiều khi phải đổi số liệu tuyệt đối sang số liệu tương đối. Bước này tuy rất đơn giản nhưng lại dễ nhầm lẫn. Vì thế, nên kiểm tra lại sau khi viết kết quả vào bài thi.
5. Rèn luyện kỹ năng tính toán
Mặc dù là môn học thuộc ngành xã hội nhưng đặc thù của môn Địa Lý là bạn phải tính toán khá nhiều. Do đó hãy nắm thật chắc các công thức tính toán cơ bản như:
+ Mật độ dân số ( người / km2 ) = Dân số / diện tích
+ Tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) = Tỷ suất sinh – Tỷ suất tử
+ Biên độ nhiệt = Nhiệt độ tháng cao nhất – Nhiệt độ tháng thấp nhất
+ Cân bằng ẩm = Lượng mưa – Lượng nước bốc hơi
+ Độ che phủ rừng = ( Diện tích rừng x 100 ) / Diện tích tự nhiên
+ Bình quân lương thực/người ( kg / người ) = Sản lượng/dân số
+ Năng suất lúa (tạ, tấn / ha) = Sản lượng / Diện tích
+ Cán cân xuất nhập khẩu = Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu
6. Rèn luyện cách ghi nhớ nhanh các số liệu
Một điều mà học sinh thường “sợ” ở môn Địa lý đó là việc có quá nhiều các con số, hoặc một dãy số liệu quá dài. Tuy nhiên, một mẹo nhỏ là các bạn không nhất thiết phải nhớ chính xác các con số nhưng nhất thiết phải nhớ được những số liệu cơ bản làm dẫn chứng cho bài viết. Ví dụ: dẫn chứng về tốc độ gia tăng dân số nước ta thì cần nắm được những mốc quan trọng, thường là đầu – cuối hoặc những năm có sự biến động lớn như tăng, giảm đột ngột….
Thêm nữa, bạn cũng có thể tận dụng tính năng của Atlat như một nguồn số liệu (thay vì phải nhớ rất nhiều số liệu từ SGK). Ví dụ, số liệu về dân số Việt Nam qua các năm hay tên của các đô thị, các trung tâm công nghiệp, các bãi biển du lịch…
7. Rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm
Thi trắc nghiệm hiện nay là hình thức thi phổ biến nhất với tất cả các môn học, không riêng gì môn Địa lý. Do đó bạn cần ôn tập với nhiều đề thi khác nhau, nhằm mục đích làm quen được với cấu trúc đề thi, tiếp xúc nhiều dạng bài, khảo sát được mức độ kiến thức của bản thân. Qua quá trình dài làm quen với hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến học sinh sẽ rút ra kinh nghiệm làm bài phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, việc thi xong có đáp án ngay để tham khảo sẽ giúp học sinh hệ thống kiến thức sâu và kiểm soát thời gian làm bài tốt hơn.
Một kinh nghiệm hữu ích cho các bạn là câu nào dễ làm trước, khó sau nhằm tận dụng triệt để quỹ thời gian cho phép. Để phân chia thời gian hợp lý, nên dành khoảng 15 phút đầu tiên để đọc tất cả các câu hỏi, vạch ra dàn ý đại cương cho câu hỏi rằng sẽ trả lời những ý gì. Cuối cùng, muốn học giỏi môn Địa lý lớp 10, 11, 12 và đạt được điểm cao trong các kỳ thi THPT, học sinh nên vận dụng kiến thức ngoài SGK bởi đề thi hiện nay thường ra theo xu thế mở. Các bạn có thể đọc sách tham khảo, theo dõi tin tức, sự kiện thực tiễn để làm dẫn chứng thuyết phục.
Tham khảo thêm:
♦ Top 8 địa chỉ cung cấp gia sư luyện thi đại học tại Hà Nội
Em muốn học giỏi môn địa lí nhưng mà mãi mà không giỏi có cách gì để em giỏi hơn ko ạ