Bên cạnh gia đình và bạn bè, có lẽ thầy cô giáo là những người tiếp theo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các bạn học sinh nhất. Nếu học trò may mắn được gặp đúng thầy cô phù hợp với mình, các em có thể được chắp cánh vươn xa. Và từ phía ngược lại, thầy cô cũng luôn cần có trách nhiệm hoàn thiện bản thân mỗi ngày, xuất sắc hơn nữa với nhiệm vụ lái đò cao cả của mình để nhận được nhiều sự tin tưởng của học sinh hơn nữa. Trong bài viết này, mời các thầy cô cùng điểm lại những phương pháp nhỏ nhưng hữu ích cho việc dạy học của mình cùng Gia Sư Việt nhé.
Mục lục
I. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh
1. Sự hỗ trợ của công nghệ
Trong thời đại 4.0 hiện nay, hầu như gia đình nào cũng trang bị cho con đủ các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng, TV,… Ngoài học trên trường và đọc sách, các em hoàn toàn có thể truy cập tới nguồn tri thức khổng lổ trên Internet. Bên cạnh đó, các hình thức dạy – học online, nộp bài tập online, kiểm tra online cũng không còn xa lạ với thế hệ học sinh ngày nay. Vì vậy, có thể nói việc học tập đã trở nên hiệu quả và thuận tiện hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến tình trạng nhiều em quá phụ thuộc vào công nghệ mà lơ là việc chủ động học tập.
2. Sự đốc thúc của gia đình
Có lẽ hầu như với tất cả các em, thời gian ở bên cạnh gia đình luôn là nhiều nhất. Vậy nên, ý kiến nhắc nhở của phụ huynh cũng ảnh hưởng đến tâm lí học tập của trẻ rất nhiều. Thậm chí có các gia đình chính phụ huynh có thời gian “gia sư” luôn cho con thì cũng rất tốt để trẻ tiến bộ. Có rất nhiều cách để bố mẹ khuyến khích con học tập, chẳng hạn như chính bố mẹ cũng tích cực tham gia các khoá học nếu có thể, siêng năng đọc sách, cập nhật kiến thức, con cái thấy vậy sẽ noi theo; hoặc bố mẹ thường xuyên nói chuyện với con về kiến thức được học, cùng trao đổi để nắm bắt tình hình và hỗ trợ kịp thời.
3. Phương pháp dạy của thầy cô
Kiến thức thì có thể tìm thấy ở bất cứ đâu: sách vở, hoặc báo đài, video, tài liệu trên mạng,… Tuy nhiên, để học sinh thực sự hiểu được cốt lõi của vấn đề và có thể áp dụng chúng một cách nhuần nhuyễn, lại phụ thuộc rất nhiều vào cách diễn giải vấn đề của thầy cô. Mỗi môn lại có một đặc thù, chẳng hạn như nhóm tự nhiên thường khô khan, logic hơn một chút, nhóm xã hội lại bay bổng, mềm mại hơn, nên chúng cần những thầy cô đủ kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm để không chỉ dạy mà còn “truyền cảm hứng”, khiến các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những môn học.
4. Nỗ lực của mỗi học sinh
Dù các yếu tố xung quanh có tác động nhiều vào thế nào đi nữa, thì cũng không có gì then chốt bằng chính sự quyết tâm tự học và nỗ lực chủ động chinh phục kiến thức của các em. Học sinh ăn thua nhau chính là ở chỗ đó. Phương pháp dạy tốt, hay sự sát sao của gia đình, tất cả chỉ để các em yêu thích việc học hơn, thấy được tầm quan trọng của nó, để từ đó mà có thể tự mình tìm tòi, đọc thêm, luyện tập thêm, dần dần hiểu được ưu- nhược điểm của bản thân để phấn đấu.
II. Các cách cải thiện phương pháp dạy hiệu quả cho giáo viên
1. Khen thưởng học trò đúng lúc
Có thể nói, đây là một trong những hình thức cổ vũ tinh thần học tập hiệu quả nhất. Có thầy cô thưởng cho các bạn đạt điểm số cao bằng tiền mặt, hoặc đồ dùng học tập, hay rất nhiều thứ thú vị khác có sức hấp dẫn các em. Và chính các thầy cô cũng có thể đưa ra hình phạt tương tự như vậy khi các em mắc lỗi lớn, cần nghiêm túc chấn chỉnh. Qua đó, chúng không chỉ thấy nỗ lực của mình được ghi nhận, ý thức hơn trong thái độ học tập, mà còn có khí thế hăng hái thi đua nhau, cố gắng vươn lên, không để bản thân tụt lùi.
2. Tập trung đến kết quả cuối cùng
Nhiều người bao biện cho kết quả thi cử không tốt bằng lí do: “Học tài thi phận”. Chúng ta không thể và không nên đổ lỗi cho bất cứ ai, ngoài chính bản thân mình. Nếu học chăm chỉ mà kết quả vẫn không cao thì hãy thay đổi đi, thay đổi mục đích, thay đổi hướng tập trung chủ chốt. Nếu kiến thức đủ mà thiếu kĩ năng làm bài thì phải cải thiện kĩ năng, nếu học sinh tự tin ở trên lớp nhưng áp lực trong phòng thi thì phải tạo điều kiện để các em được thi thử thật nhiều. Không cần biết quá trình học tập nỗ lực như thế nào, điều quan trọng nhất là khi cần toả sáng các em thể hiện được đến đâu.
3. Đổi mới sáng tạo phương pháp
Với việc dạy và học trong nhà trường, giáo viên cần rất quan tâm đến những yếu tố có thể gây hứng thú học tập hơn cho học sinh. Có thể là với lớp tự nhiên khô cứng thì giáo viên tạo không khí vui tươi và sôi động hơn, với lớp xã hội bay bổng thì giáo viên lại đưa ra các phương án logic hơn và thực tế hơn. Hoặc thầy cô có thể kết hợp học trên trường trên lớp với các hình thức thực hành trực quan, hay hoạt động ngoại khoá để học sinh không cảm thấy bị mệt, gồng gánh, nhồi nhét mà luôn thoải mái và thích thú với trường lớp và với việc học.
4. Bao dung nhưng đủ nghiêm khắc
Nỗ lực để học sinh có môi trường học tập vui vẻ nhất luôn là điều cần làm, nhưng tự do nào cũng phải đặt trong khuôn khổ. Dù là lúc học có được cười xả láng, thì khi làm bài kiểm tra vẫn cần nghiêm túc và tập trung cao độ. Dù là khi tham gia ngoại khoá có “quẩy” hết mình, thì khi kết thúc cũng phải giữ tác phong nghiêm chỉnh, đảm bảo được ý thức đạo đức chuẩn mực. Thầy cô chính là người định hướng và răn đe học sinh để có được tinh thần chuyên nghiệp như thế. Nếu học sinh không làm được, thầy cô hoàn toàn phải đưa ra các biện pháp cứng rắn và mạnh tay để các em biết được những gì mình cần tuân thủ.
Kết luận: Tất cả chúng ta đều phải thay đổi để có được những thế hệ mầm non của tương lai phát triển theo hướng tích cực và chất lượng hơn. Có như vậy thì đất nước chúng ta mới có thể đi lên được. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tất cả những điều thầy cô nói và làm có tác động không nhỏ đến các bạn học sinh, và đôi khi thậm chí nó còn ảnh hưởng cho đến suốt chặng đời còn lại nữa đấy. Vì vậy, với những lời khuyên bé nhỏ vừa rồi, Gia Sư Việt mong rằng có thể giúp đỡ thầy cô phần nào trong những mệt nhọc của nghề giáo, và chúc anh chị luôn sáng mãi nhiệt huyết với công việc.
Tham khảo thêm:
♦ Top 6 trung tâm gia sư huyện Đông Anh được tin tưởng nhất
♦ Cha mẹ nên định hướng tương lai cho con lúc nào là hợp lý?
♦ Phương pháp tiếp cận hiệu quả giúp bạn không còn sợ Vật Lý
Để lại bình luận