Giải pháp nào cho bố mẹ khi con trẻ có biểu hiện trầm cảm?

Trầm cảm là căn bệnh tinh thần khá phổ biến hiện nay. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có những áp lực khiến bé bị trầm cảm. Cha mẹ cần theo dõi, quan sát con yêu mỗi ngày để nhận biết dấu hiệu trầm cảm sớm mà có phương pháp điều trị thích hợp, vì để tình trạng trầm cảm kéo dài sẽ gây hậu quả khôn lường. Trong bài viết này, mời các quý phụ huynh cùng với Gia Sư Việt đào sâu các nguyên nhân – hậu quả – biểu hiện – hướng giải quyết cho tình trạng này ở con nhé.

giai-phap-nao-cho-cha-me-khi-con-tre-co-bieu-hieu-tram-cam

I. Nguyên nhân khiến con trẻ mắc hội chứng trầm cảm

1. Áp lực trong học tập

Thường trong thời gian thi cử, bài vở nhiều, áp lục phải đủ điểm, phải đậu trường này nọ, cộng thêm sự kỳ vọng quá mức của bậc phụ huynh vào trẻ mà trẻ lại không biết giãi bày với ai, cộng với tâm lý không vững thì trẻ sẽ dễ bị mắc bệnh trầm cảm. Việc phải tham gia nhiều lớp này lớp nọ, cố gắng hấp thụ được hết kiến thức đã là đủ đau đầu, vậy mà áp lực vẫn chưa hết, trẻ còn phải lo lắng mình không kịp thời gian làm hết bài tập, học nhiều mà điểm vẫn không tiến bộ thì phải làm gì, các bạn xung quanh sao mà xuất sắc quá,… sẽ khiến cho con ám ảnh đến mức thành bệnh tâm lí.

2. Biến cố lớn từ gia đình

Chuyện bố mẹ “căng thẳng” với nhau, không chia sẻ nhiều với con, hoặc trẻ bị mất người thân hay con vật mà trẻ yêu thương đều có thể khiến làm trẻ cảm thấy cô độc trong chính căn nhà của mình. Tất cả đều xuất phát từ những sự mất mát đến từ cội nguồn cảm xúc thân thuộc nhất. Trẻ hụt hẫng, thất vọng, chênh vênh quá nhiều nhưng không biết phải chia sẻ với ai khi chính những người gần gũi nhất đã bỏ mình mà đi, vì vậy các em sinh ra nghĩ quanh quẩn và cứ bế tắc mãi trong chính cảm xúc của mình như vậy.

3. Thói quen sống có hại

Chế độ ăn uống không lành mạnh như quá nhiều dầu mỡ, ăn ít rau củ quả, thức khuya, lười vận động, không giao tiếp với xã hội bên ngoài nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Có thể nói rằng, một nền tảng sức khoẻ tốt là yếu tố cần và đủ cho bất kể một sự phát triển về tinh thần nào. Khi người ta không khoẻ mạnh, người ta có cái nhìn và suy nghĩ về cuộc sống khác hẳn lúc tràn trề sức sống. Đừng coi thường những thói quen rất nhỏ trong lối sống hàng ngày, bởi vì chúng sẽ giết dần giết mòn sức khoẻ của chúng ta, dần dần mà sinh thành bệnh tật về cả thể chất và tinh thần.

4. Lạm dụng thiết bị điện tử

Smartphone hiện rất phổ biến, nhưng nếu ba mẹ cứ lạm dụng việc để trẻ ngoan ở yên một chỗ mà cho con sử dụng điện thoại, sẽ là một tội ác lớn. Nếu trẻ đã quen với việc dụng điện thoại thông minh quá mức thì đến khi không có điện thoại, bé dễ bị gia tăng sự lo lắng và bồn chồn. Ngoài ra, một lí do tiềm tàng rất nguy hại từ thiết bị thông minh là chúng đang chứa một nguồn thông tin khổng lồ. Việc tiếp cận với quá nhiều ý kiến, tin tức từ đủ các chiều và tốt xấu lẫn lộn trong khi trẻ chưa đủ vững vàng để thanh lọc cho chính mình sẽ khiến chúng suy nghĩ quá nhiều và luẩn quẩn, tin vào những điều không đúng đắn làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lí.

lam-dung-thiet-bi-dien-tu-khien-tre-de-mac-chung-tram-cam

5. Biến động ở tuổi dậy thì

Đây là giai đoạn trẻ trải qua những sự thay đổi mạnh mẽ về cả sinh lí và tâm lí, các hóc- môn sinh trưởng tăng nhanh đột ngột khiến trẻ hay có những cảm xúc mạnh. Nếu không được bố mẹ và người thân chia sẻ, hướng dẫn, trẻ sẽ bối rối, lo sợ, hay nghĩ tiêu cực. Trẻ có thể bị bạn bè hoặc người thân chê cười vì ngoại hình của mình chẳng hạn, khiến các em cảm thấy đầy vấn đề ở bản thân và đồng thời rất căm ghét người khác. Các em thấy rằng khó để tìm được tiếng lòng đồng cảm và sự bao dung nên thu mình vào vỏ ốc và có những phản kháng tâm lí dữ dội.

II. Dấu hiệu để nhận biết con bạn mắc chứng trầm cảm

1. Các biểu hiện bỏ bê sức khoẻ

  • Trẻ chán ăn, bỏ ăn, sụt cân nhiều hoặc ngược lại, ăn quá nhiều và tăng cân nhanh chóng.
  • Trẻ khó tập trung suy nghĩ, hay quên, thường xuyên mất ngủ, cáu gắt và giận dữ.
  • Một số trẻ còn có triệu chứng đau đầu, rối loạn huyết áp và nhịp tim, làm cho động mạch của trẻ bị yếu đi. Điều này dẫn đến việc hình thành các mảng bám trong động mạch, ngăn chặn lưu lượng máu và cuối cùng gây ra các cơn đau tim và đột quỵ.

2. Luôn muốn tách biệt bản thân

  • Trẻ cảm thấy buồn chán, trống rỗng, không hứng thú làm việc, chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa và mọi người.
  • Ít giáo tiếp và mở lòng, hay thu mình lại, loanh quanh trong vùng tối của bản thân bởi vì nhìn mọi thứ xung quanh đều cảm thấy không có ý nghĩa.
  • Hay đăng tải những nội dung kì lạ, khó hiểu, nhiều ẩn ý và hơi u ám trên mạng xã hội. Thường xuyên sử dụng mạng xã hội nhưng có xu hướng hạn chế tối đa việc người khác đọc được bài viết hay xem được hình ảnh của mình.

III. Các hậu quả nghiêm trọng mà bệnh trầm cảm gây ra

1. Ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ

  • Giảm sức mạnh của hệ miễn dịch.
  • Chậm lớn, chậm phát triển.
  • Mất ngủ, ngủ không ngon, mệt mỏi, chán nản.
  • Cả sức khoẻ thể chất và tinh thần đều yếu, gương mặt nhợt nhạt, khô cứng, ánh mắt thiếu sức sống.
  • Mất cảm giác ngon miệng, hay đâu đầu, tức ngực, rối loạn tiêu hóa, biến động lên mạch máu, nhức đầu, đau lưng, lâu dài có thể bị bệnh tim.

2. Dẫn đến kết cục khôn lường

Cuối cùng, là nguy hiểm nhất đó là tự sát. Chính vì sự tự ti mà trẻ cho rằng mình là gánh nặng cho bố mẹ, gia đình và xã hội, thừa thãi trong cuộc sống này, không đáng sống và để bản thân được thoải mái, giảm bớt tội lỗi, trẻ sẽ tự hành xác mình, muốn tự sát hoặc tìm mọi cách có thể để tự sát. Nhiều em cố rạch tay, cào cấu bản thân, uống thuốc ngủ quá liều,… Thực tế cũng đã ghi nhận không ít các vụ việc học sinh ở đủ các lứa tuổi và môi trường sống vì trầm cảm mà thực hiện những hành vi hết sức dại dột, gây ra nhiều hậu quả thương tâm.

IV. Giải pháp cho bố mẹ khi con trẻ có biểu hiện trầm cảm

1. Tham khảo ý kiến chuyên gia và bác sỹ

Và cuối cùng, nếu bố mẹ cảm thấy cần có nhiều sự hỗ trợ hơn, hãy tìm đến một bác sĩ tâm lý hoặc một người trẻ tin tưởng nhất để giúp trẻ được giãi bày, thổ lộ hết tâm tư và nguyện vọng của mình. Các chuyên gia với nhiều kiến thức và kinh nghiệm sẽ hướng bố mẹ đến những giải pháp thật sự khoa học và phù hợp để bố mẹ không phải một mình hoảng loạn mà đưa ra những bước đi sai lầm. Và khi gửi gắm được bác sỹ tâm lí tốt, bố mẹ cũng cần hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn để dần thấy được kết quả.

tham-khao-y-kien-chuyen-gia-bac-si-khi-con-mac-chung-tram-cam

2. Dành nhiều thời gian ý nghĩa bên con

Bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện, có những cuộc tâm sự sâu sắc với con để con được lắng nghe và được chia sẻ. Nhiều khi, chúng chỉ đơn giản cần một người luôn có mặt ở đó, cần một cái ôm, cần một chút sự quan tâm mà thôi. Nếu có điều kiện, hãy cùng con đi du lịch một nơi nào đó phù hợp với tính cách của con và với những người con cùng muốn đồng hành. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử trong sự kiểm soát, có giờ giấc. Bố mẹ và trẻ có thể cùng nhau tham gia các hoạt động có ý nghĩa cho tâm hồn như học nấu ăn, vẽ tranh, chơi nhạc cụ,… để giải toả căng thẳng.

3. Khen ngợi, động viên con thường xuyên

Bố mẹ nên tích cực khen thưởng, động viên khi con làm được điều tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, trẻ cảm thấy mình có thể tạo ra nhiều giá trị tốt cho cuộc sống và tự tin với bản thân hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần bảo vệ con khỏi những ý kiến hay đánh giá xấu ý và tiêu cực từ bên ngoài, chính bằng cách dạy con hiểu rằng giá trị của bản thân mình thì chỉ có mình mới định đoạt được chứ không một ai có quyền định mức hay đả động tới điều đó khi mình chưa cho phép.

4. Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh

Bố mẹ cần tập cho con thói quen ăn uống điều độ, lựa chọn các loại thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và ngủ sâu. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tạo điều kiện cho con chơi ít nhất một môn thể thao, có thể là những môn cá nhân nếu con thích hoặc tốt hơn là những môn chơi đồng đội để trẻ cảm thấy mình có “đồng minh” và thêm động lực để cố gắng. Hoặc có những hoạt động rất đơn giản thôi nhưng lại ý nghĩa không kém đó là cả gia đình cùng tham gia dọn dẹp và chăm sóc ngôi nhà của mình: trồng cây, tưới cây, nuôi thú cưng, lau chùi dọn dẹp, nấu ăn, trang trí phòng ốc,…

Kết luận: Vấn đề tâm lí không chừa một ai, tuy nhiên nếu nó đến quá sớm thì rất vất vả cho các bé và tất nhiên cần nhiều sự hỗ trợ của bố mẹ. Không ai khiến con tin tưởng, yêu thương và gần gũi bằng bố mẹ, nên dù bố mẹ có bận rộn thế nào cũng nhớ dành thời gian dành cho con. Hãy quan sát con mỗi ngày, nhận biết ra những dấu hiệu trầm cảm sớm để can thiệp kịp thời, tránh chuyện đáng tiếc xảy ra. Bài viết được Gia Sư Việt thu thập ý kiến từ những chuyên gia hàng đầu về giáo dục và tâm lý, hi vọng sẽ giúp ích nhiều cho bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

Điều gì sẽ xảy ra khi phụ huynh quá kì vọng con phải học giỏi?

Những lợi ích mà hoạt động ngoại khóa mang lại cho con bạn

Tuyển chọn 6 trung tâm gia sư quận Long Biên chất lượng nhất

Để lại bình luận

Chat Zalo 0964460088