Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đề cao vai trò của gia đình đối với quá trình phát triển của trẻ. Bởi gia đình không chỉ là nơi nuôi sống, đó còn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn từ thuở ban sơ nhất của mỗi người. Thực tế cho thấy, gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên một đứa trẻ hạnh phúc và ngược lại. Và để luôn duy trì được điều đó, chúng ta ai cũng cần nỗ lực thật nhiều. Trong bài viết này, Gia Sư Việt sẽ cùng các bậc phụ huynh nhìn vào các “bí kíp” nhỏ nhưng lợi hại để xây dựng một gia đình hạnh phúc và con cái mình luôn cảm thấy được yêu thương khi ở trong đó.
Mục lục
I. Những quan điểm đúng đắn nhất về một gia đình hạnh phúc
Gia đình là tập thể những người gần gũi và gắn bó khăng khít với nhau bằng huyết thống hoặc tình cảm. Gia đình hạnh phúc là mái ấm, mà ở đó các thành viên được đáp ứng đầy đủ về mặt vật chất và tinh thần để phát triển một cách tích cực. Nhiều người cho rằng vật chất không quyết định tới hạnh phúc, nhưng thực tế mà nhìn nhận, trong cái nghèo khổ, thiếu thốn, chật vật, người ta khó mà nhẹ nhàng và chan hoà với nhau được. Vật chất không quyết định tất cả, nhưng nó là điểm tựa. Từ cái nền vững chắc đó, các thế hệ trong gia đình cùng nhau chia sẻ những giá trị tốt đẹp, cùng yêu thương và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
II. Gia đình hạnh phúc tác động đến phát triển của con ra sao?
1. Cùng nhau lan tỏa những niềm vui trong lành
Cảm xúc cũng như mùi hương vậy, có thể len lỏi đến từ góc nhỏ trong trái tim và tiềm thức của mỗi người. Từ lúc chào đời, đứa trẻ ngủ say sưa trong chiếc võng tay mẹ kéo đều và lời du ầu ơ ví dầu của bà, của mẹ. Lúc nó biết đi bước đầu tiên, có cả nhà dõi theo và hoan hô không ngớt. Bắt đầu từ những khoảnh khắc ấy, trẻ đã có thể cảm nhận được tình yêu gia đình. Rồi suốt chặng đường nó lớn lên, bên cạnh luôn là là những người thân yêu dạy dỗ, nuôi nấng, động viên, khuyên nhủ. Cứ thế, niềm vui nhen nhóm khắp trong gia đình như một ngọn lửa ấm luôn cháy sáng.
2. Thừa hưởng và tiếp nối những giá trị tốt đẹp
Khi trẻ được đặt giữa những sợi dây ràng buộc với người con gọi là cha mẹ, ông bà, rồi đến anh chị em, trẻ sẽ học được cách cư xử đúng mực và có nhận thức trọn vẹn hơn về giá trị gia đình. Chúng quan sát người lớn làm việc, cư xử, dần dần bị ảnh hưởng bởi những điều đó, cũng mang những sự kế thừa từ đó. Không chỉ từ ngoại hình, mà cả tính cách, hay nghề nghiệp của mỗi người cũng chịu ảnh hưởng lớn từ các thế hệ đi trước. Khi chúng ta khôn lớn và lại có mái ấm của riêng mình, con ta cũng sẽ lại được chắp cánh bởi những giá trị đó.
3. Xây dựng nên gốc rễ tính cách của mỗi người
Khi trẻ cảm nhận được đủ đầy sự yêu thương của mọi người trong gia đình, trẻ sẽ có trái tim nồng hậu, và ước muốn đối đãi với những người xung quanh bằng một tình cảm chân thành như vậy. Đó là khi gia đình đã ươm trồng thành công một hạt giống tốt. Nhưng đây cũng là điều thiệt thòi cho những đứa trẻ lớn lên trong gia đình thiếu vắng tình thương. Nếu trẻ có tuổi thơ không trọn vẹn, dễ dẫn đến tâm lý hằn học và cảm giác bị ức hiếp, luôn đòi hỏi được nhận lại trước. Chỉ ở nơi mình thật sự thuộc về, con người ta mới sống đúng với bản ngã và toả sáng được những phẩm chất tốt đẹp của mình.
III. Các bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình trong thời hiện đại
1. Cha mẹ cùng nhau đóng góp cho tổ ấm
Bố mẹ trước hết tạo lập được nền tảng tài chính ổn định thì sẽ có lợi hơn cho việc duy trì tình cảm gia đình. Sau đó, hai người nên cùng thảo luận và kết luận với nhau phương pháp phù hợp để xây dựng cho con một mái ấm đúng nghĩa. Có nhiều nhà có những “quy ước” rất riêng như: bố đảm nhiệm dạy con trai, mẹ phụ trách dạy con gái; hay một người là trụ cột kiếm tiền chính, một người ở nhà nội trợ và chăm sóc các con,… Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng dù chiến thuật xây dựng gia đình là đi nữa, điều cần thiết nhất là những người đứng đầu phải thống nhất được với nhau.
2. Giữ bầu không khí trong nhà thoải mái
Cha mẹ luôn nhớ rằng trẻ có thể cảm nhận được nếu giữa người lớn có chuyện gì căng thẳng hay không. Nếu khi chúng còn quá bé mà đã phải tiếp xúc thường xuyên với việc người lớn không hoà thuận, hay mâu thuẫn thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ tâm lí của các con. Vì vậy, bố mẹ cần giữ thái độ lịch sự và tôn trọng nhau khi trao đổi trước mặt bé. Nếu có điều gì khó chịu, hai người nên tìm một nơi không có con để thảo luận. Dù không phải khi nào cũng có thể chia sẻ với con những điều tích cực, nhưng kể cả là những tin không tốt, không vui vẻ, thì cũng cần giảng giải cho con bằng thái độ ôn tồn và văn minh nhất.
3. Cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo
Trẻ con là tấm gương phản chiếu hành vi của người lớn. Chúng nhận biết đúng/ sai, nên/ không nên qua việc quan sát hành động của người lớn. Vì vậy, khi muốn con thực hiện điều gì, phụ huynh hãy chủ động tự thực hiện điều đó trước. Chẳng hạn như trong rất nhiều gia đình, vào giai đoạn con từ 0 đến 3 tuổi, người lớn hãy dạ thưa khi trò chuyện và khoanh tay khi chào con. Đừng ngại khi làm điều đó, vì con sẽ học rất nhanh từ việc bắt chước theo cha mẹ, nên bạn cũng cần chú ý từng hành vi của mình khi dạy trẻ.
4. Đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên
Bằng việc chăm sóc tới đồng đều các thành viên như nhau, bạn đã dạy con cách yêu thương và lo lắng cho người khác. Nhiều gia đình Việt có một thói quen chưa được hợp lí là quá cưng chiều trẻ và khiến chúng nghĩ mình luôn được ưu tiên. Ngược lại, bạn nên để cho trẻ hiểu rằng bất cứ ai trong nhà cũng có vai trò, đóng góp cho gia đình, và đều xứng đáng được quan tâm như nhau. Nếu bố mẹ làm không đúng, bố mẹ cũng có thể bị phạt. Anh chị lớn hay em nhỏ đều có nghĩa vụ với mái nhà của mình, chứ không ai là “bị ra rìa”, hay không ai nên được cưng chiều hơn ai.
5. Dành thời gian để chơi đùa cùng con cái
Có nhiều bậc phụ huynh bị cuốn vào vòng xoáy của công việc khiến họ không dành đủ thời gian cho con cái. Họ thay vào đó bằng sự bù đắp đến từ vật chất, những món quà đắt tiền hoặc thuê người trông nom. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng, không có điều gì có thể đánh đổi được giây phút bên con, và tuổi thơ của trẻ cũng chỉ có một. Trẻ không cần sự xa hoa và hào nhoáng, thứ trẻ cần là sự quan tâm đúng nghĩa của cha mẹ. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ thông minh của những đứa trẻ có thói quen trò chuyện với cha mẹ mỗi ngày cao hơn hẳn so với nhóm ít giao tiếp, mở lòng với phụ huynh mình.
6. Đừng so sánh con bạn với “con người ta”
Đây là cụm từ cửa miệng của phần lớn người Việt khi giáo dục trẻ nhằm mục đích tạo hình tượng mẫu cho con noi theo. Tuy nhiên điều này vô tình gây áp lực không đáng có lên vai con. Mỗi đứa trẻ sinh ra có những ưu điểm, sở trường và nét tính cách khác nhau, vậy nên so sánh chúng chính là khiến con trẻ quên mất bản chất thật của mình, thay vào đó là phải chăm chăm theo đuổi những ước mong và kì vọng của người khác. Bởi vậy, mẹ nên khuyến khích và định hướng cho con để con phát triển tốt nhất trong khả năng và sở thích của mình.
Lời kết: Gia đình là nhân tố quyết định việc một mầm xanh sẽ được vươn lên như thế nào. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây, các bố mẹ một lần nữa thấy rõ hơn vai trò của mình đối với hạnh phúc gia đình, và cũng chính là với sự phát triển của trẻ. Từ đó, từ lớp trên, đến lớp dưới, mọi người cùng nỗ lực để tình yêu thương được nối dài mãi, lan toả những giá trị quý giá đến xã hội. Gia Sư Việt chúc anh chị luôn là điểm tựa vững chắc cho con cái và luôn hạnh phúc với mái ấm của mình!
Tham khảo thêm:
♦ Bí quyết giúp trẻ Tiểu học tiếp thu môn Tiếng Việt hiệu quả
♦ Danh sách 6 trung tâm gia sư tại quận Nam Từ Liêm uy tín
♦ Cần làm gì khi trẻ Tiểu học “ghét” học từ vựng môn Tiếng Anh
Để lại bình luận