9 lời khuyên cho các bố mẹ khi con mắc hội chứng tăng động

Trẻ con vốn được gắn với với hình ảnh vui tươi, chạy nhảy vận động cả ngày cũng không mệt. Bởi vì vậy mà không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể phân biệt được đâu là cá tính hiếu động và đâu là chứng tăng động ở trẻ. Việc nhận biết này giúp bố mẹ sớm phát hiện kịp thời và có liệu trình cụ thể giúp bé định hướng lại hành vi cũng như hỗ trợ sự phát triển tư duy một cách đúng đắn nhất. Trong bài viết này, Gia Sư Việt sẽ chỉ rõ cho anh chị những điểm khác nhau giữa hiếu động và tăng động, cũng như những điều bố mẹ nên làm khi con mắc hội chứng tăng động.

9-loi-khuyen-cho-bo-me-khi-co-con-bi-tang-dong

I. Đôi nét tổng quan về chứng tăng động thường gặp ở trẻ

Trẻ mắc tăng động được phân thành 3 loại: Rối loạn phối hợp tăng động và giảm chú ý; rối loạn trội về tăng động và rối loạn trội về giảm chú ý. Cụ thể, rối loạn giảm chú ý thường biểu hiện thông qua việc bé bỏ dở các hoạt động khi chưa làm xong; rối loạn tăng động thường gặp ở trẻ có xu hướng chạy nhảy liên tục, nói chuyện nhiều quá mức và luôn cựa quậy chân tay trong khi ngồi xuống. Còn rối loạn phối hợp tăng động và giảm chú ý là việc bé khó kiểm soát trong các hành vi hàng ngày, hay gây ra những hành động khá bất ngờ, đôi lúc còn có thể đe dọa đến những người bên cạnh.

II. Phân biệt giữa trẻ hiếu động và tăng động như thế nào?

1. Trẻ tăng động

Nguyên nhân của hội chứng này là do các phần não làm nhiệm vụ điều khiển khả năng chú ý giảm mức độ hoạt động. Vì vậy nên việc không thể tập trung vào bất kỳ hoạt động nào quá 5 phút là một trong những biểu hiện khá rõ rệt của chứng tăng động. Bé gần như luôn bỏ dở một món đồ chơi, không muốn tô xong một bức vẽ,… Các bé cũng không thích chờ đợi, đặc biệt cảm thấy rất khó chịu khi phải xếp hàng. Trong quá trình tham gia hoạt động nào đó, trẻ hay đứng lên, ngồi xuống liên tục tìm kiếm một hoạt động khác.

Ngoài ra, trẻ cũng có xu hướng vận động với tần suất cao ở mọi lúc mọi nơi, không tuân theo chỉ dẫn của người lớn. Đối với những âm thanh lạ, bé có thể phản ứng rất mạnh trong khi bản thân lại thích nói và có thể nói năng, làm ồn liên tục. Một dấu hiệu nữa của tăng động là trẻ có biểu hiện nhận thức ngôn ngữ và trí tuệ chậm so với tiêu chuẩn phát triển trong độ tuổi. Việc ăn ngủ nghỉ của trẻ cũng gặp nhiều khó khăn vì bé sẽ thường khó ngủ và hay lo lắng.

2. Trẻ hiếu động

Đầu tiên là với khả năng tập trung. Đa số các bé ở độ tuổi nhỏ nghịch ngợm, tò mò, thích khám phá nên khó mà tập trung vào thứ gì được lâu. Tuy nhiên, đối với những thứ chúng thật sự yêu thích, chẳng hạn như xem hoạt hình, hay chơi đu quay, hoặc lắp ráp mô hình, chúng có thể dành một khoảng thời gian đủ lâu (ít nhất từ 15 phút) để tập trung cao độ, thực hiện liên tục hành động mà không xao nhãng hay khó chịu, bứt rứt như trẻ tăng động. Đối với những hoạt động khác, trẻ có thể nhiều khi hơi lơ đãng, nhưng nếu được nhắc nhở và kèm cặp thường xuyên thì có thể tăng khả năng tập trung lên nhanh chóng.

Trẻ hiếu động còn khác với trẻ tăng động ở chỗ chúng chỉ thường chỉ vận động nhiều ở những nơi quen thuộc với mình, còn ở chỗ đông người hay lạ lẫm thì vẫn có phản xạ chậm lại để quan sát, xem xét tình hình. Các bé cũng không quá nhạy cảm với âm thanh xung quanh như tiếng ồn mà thậm chí còn thấy thích thú, hò hét theo. Khả năng phát triển về ngôn ngữ và tư duy của các bé cũng hoàn toàn bình thường. Chúng cũng sẽ có thể nghỉ ngơi thoải mái theo đúng nhu cầu của cơ thể và dễ được người lớn uốn nắn cho nhiều thói quen tốt trong sinh hoạt.

III. Lời khuyên cho các bố mẹ khi con bị hội chứng tăng động

1. Đưa bé đi kiểm tra

Khi quan sát thấy bé có những dấu hiệu về chứng tăng động, bố mẹ nên đưa bé đến các trung tâm y tế để được kiểm tra chắc chắn. Bố mẹ nên thực hiện càng sớm càng tốt vì nếu để lâu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc đi học và vui chơi, kết bạn của bé. Các bác sĩ cũng sẽ đưa ra được nguyên nhân sâu xa về tổn thương trong não bộ của trẻ cũng như kê đơn, đưa ra lời khuyên và liệu pháp điều trị khoa của trẻ cho bố mẹ biết để có cách xử lí đúng nhất.

2. Điều chỉnh chế độ ăn

Thứ nhất, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt vì đường có khả năng kích thích não bộ, khiến chúng ta cảm thấy phấn khích và tỉnh táo hơn. Nhưng chính bởi vì vậy mà các loại thực phẩm này không được khuyến khích cho trẻ tăng động sử dụng nhiều. Chế độ ăn cần đa dạng các nhóm thực phẩm giàu dưỡng chất để trí não được nuôi dưỡng, nhưng tránh ăn quá nhiều calo sẽ gây dư thừa năng lượng. Và cuối cùng, bố mẹ nhớ cho bé bổ sung đủ nước để cơ thể được cân bằng và duy trì tốt các chức năng phán đoán, nhận thức.

3. Không cãi nhau trước mặt bé

Việc thấy bố mẹ cãi vã, lớn tiếng với nhau sẽ làm cho tinh thần của bé không tích cực, dễ cảm thấy sợ hãi và khiến việc điều trị rất khó khăn. Bạn nên kiềm chế và cẩn trọng lời nói để tránh làm bé kích động. Tốt hơn hết là khi bố mẹ mất bình tĩnh với nhau thì vẫn nên cố gắng để mọi việc được thảo luận và thu xếp khi không có bé ở đó. Ngay những người gần gũi với con nhất nên tạo cho con được cảm giác bình an và thoải mái khi ở cạnh thì dần dần trẻ mới quen và học theo được.

4. Đặt ra các giới hạn cho con

Các phụ huynh cần dạy con rất kĩ về những hành động nên và không nên làm, đặc biệt phải nhấn mạnh những hành động dễ gây nguy hiểm cho bé. Bố mẹ có thể bắt đầu với những điều đơn giản như không được đánh bạn, không được chạy nhảy ở chỗ đông người, không được chạm tay vào điện. Bạn nên giải thích cho bé về lý do vì sao bạn muốn bé thực hiện theo. Vì bé dễ quên nên bạn cần nhẹ nhàng lặp đi lặp lại cho đến khi chúng trở thành phản xạ vô điều kiện ở trẻ.

5. Thưởng phạt bé hợp lý

Bé tăng động sẽ dễ khiến người xung quanh phiền lòng khi bé dễ mắc lỗi, vậy nên có những hình phạt để bé hiểu không nên làm vậy là cần thiết. Tuy vậy, để tránh làm kích động bé, các hình phạt chỉ nên dựa trên tinh thần nhắc nhở và tuyệt đối không nặng nề để làm tổn thương trẻ. Ví dụ như bạn chỉ nên phạt trẻ đứng yên 5 phút, tự dọn đồ chơi, tự nhặt món đồ mà mình ném đi, thậm chí bạn phải hỏi ý kiến con trước khi thực hiện hình phạt, và nhất định cần tuyên dương, trao thưởng khi con làm đúng.

6. Tập khả năng kiên nhẫn

Khi bé không thể tập trung làm một việc trong thời gian dài, bố mẹ nên thử chia nhỏ các đoạn thời gian cho trẻ. Cụ thể là ví dụ thay vì tập đọc trong suốt 25 phút, chúng ta có thể đọc trong 10 phút, nghỉ thư giãn trong 5 phút, rồi lại quay lại đọc trong 10 phút. Cứ dần dần luyện tập như vậy đến khi bé quen dần thì bố mẹ tăng dần thời lượng tập trung cho con. Ngoài ra, có rất nhiều kiểu âm thanh với tần số bằng sóng não của con người hay các loại âm thanh trắng cũng khá phù hợp để cho trẻ nghe trong lúc luyện tập, làm tăng khả năng tập trung hiệu quả.

7. Cùng tham gia các hoạt động

Việc này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung, đề ra mục tiêu và cố gắng giành được chúng. Với sự trợ giúp của bố mẹ, trẻ cũng sẽ thấy phần nào yên tâm hơn và bố mẹ cũng dễ kiểm soát con hơn. Bạn nên trò chuyện để biết sở thích của bé và tạo điều kiện cho bé được trải nghiệm chúng. Việc bé có thể tìm ra điều mình thích làm là rất tốt, vì đó sẽ là cơ hội để từ đó bố mẹ cùng con có động lực để rèn luyện sự tập trung.

8. Tạo trò chơi luyện trí nhớ

Bạn có thể cho bé chơi trò đóng giả làm nhân vật như bác sĩ, cô giáo. Bố mẹ đưa ra các thông tin liên quan đến nhân vật để con sử dụng khi chơi và nhắc bé để bé nhớ. Đây là một cách để bé vẫn được chơi đùa mà đồng thời học thêm các kĩ năng. Ngoài ra, bạn nên cho bé chơi các trò như cắt dán để dạy bé sự tỉ mỉ và khéo léo. Nếu bé có khả năng và niềm yêu thích với con số thì những trò như Sodoku, tập đếm hay lật số cũng rất thích hợp để con luyện trí nhớ.

9. Cần thật nhẫn nại và bao dung

Bố mẹ phải yêu thương con nhiều hơn ở những lúc tưởng chừng như bất lực nhất. Vì chỉ có như vậy thì cả hai bên mới có thể cùng dìu dắt nhau bước tiếp. Tuyệt đối đừng đánh mắng bé vì điều đó khiến bé cảm thấy kích động hơn và bố mẹ cũng sẽ phải vất vả hơn. Việc sử dụng bạo lực hoàn toàn không có tác dụng với trẻ mắc chứng tăng động mà chỉ làm cho phác đồ điều trị phức tạp thêm. Khi con cần học cách kiên nhẫn, chậm lại thì bố mẹ cần có sẵn thật nhiều điều đó.

Kết luận: Mong rằng với những chia sẻ này đã giúp bạn có thể dễ dàng phân biệt được đâu là hiếu động và đâu là tăng động. Bạn nên nhớ rằng, tăng động là biểu hiện về tinh thần mà bản thân trẻ cũng không hề mong muốn. Bố mẹ cần hiểu rõ để thay vì nổi nóng mà cần phải nhẹ nhàng với trẻ nhiều hơn nữa. Chỉ có như vậy mới giúp bé sớm cải thiện và phát triển bình thường. Gia Sư Việt luôn ở đây, sẵn sàng sát cánh cùng anh chị và các bé, đặc biệt là với việc học tập của trẻ. Hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 096.446.0088 – 090.462.8800 để được hỗ trợ.

Tham khảo thêm:

Giải pháp giúp con bạn phát huy tối đa khả năng sáng tạo

Cha mẹ có nên đầu tư cho con vào học ở trường quốc tế?

Trẻ em Tiểu học học bao nhiêu là đủ và nên học những gì?

Để lại bình luận

Chat Zalo 0964460088