Trong cuộc sống hiện nay, không chỉ có người lớn phải đối mặt với những áp lực từ công việc, gia đình, xã hội, mà ngay cả những em nhỏ cũng phải đối mặt với biết bao gánh nặng từ công việc học tập và sự kỳ vọng của cha mẹ. Từ những em bé mới bắt đầu đi học lớp 1 cho đến những anh chị học cấp II, cấp III thậm chí là cả đại học cũng đều như vậy. Là những người đồng hành cùng con, làm thế nào để có thể cha mẹ có thể hỗ trợ con mình giữ được sự lạc quan trong môi trường học tập áp lực như thế? Hãy đọc bài viết sau của Gia Sư Việt để tham khảo 8 bí quyết vô cùng hữu ích nhé.
Mục lục
I. Tiêu cực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
Căng thẳng trong việc học tập khiến trẻ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực như lo lắng khi điểm không cao, tụt hạng, học mãi mà không nhớ được kiến thức, thấy mình thua kém bạn bè,… Từ đó mà càng ngày càng nhiều bạn học sinh mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, đau nhức đầu, giảm tập trung, khủng hoảng về bản thân,… Dần dần lâu dài những câu chuyện như thế này sẽ trở thành mối lo chung của cả một thế hệ, khi áp lực thì chỉ có ngày một tăng chứ không hề giảm.
Không chỉ vì chương trình học quá tải, mà cả những áp lực nặng nề từ phía gia đình cũng khiến cho các con nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như tự sát, chán học, làm hại bản thân, thử các thói xấu, chơi bời hoang phí,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chúng. Đây chính là một hồi chuông cảnh báo cho gia đình và nhà trường, rằng đã đến lúc cần có những sự trợ giúp từ các thế hệ đi trước giàu kinh nghiệm để nâng thế hệ trẻ vực dậy.
II. Cách bố mẹ giúp con lạc quan hơn trong môi trường nhiều áp lực
1. Dạy con suy nghĩ tích cực
Mọi vấn đề có thể giải quyết được hay không phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ của mỗi người. Trong môi trường học tập đầy áp lực điều mà cha mẹ nên làm là hãy giúp con hướng đến những suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Cha mẹ hãy giúp con thấy ý nghĩa của những ngày tồi tệ là để ta cảm nhận được trọn vẹn hạnh phúc trong những ngày tốt đẹp. Nếu mệt mỏi quá, con hãy nghỉ ngơi. Học hành vẫn luôn là việc cả đời, nên nhiều chỗ cần dừng lại một chút để nạp năng lượng là cần thiết. Cha mẹ, gia đình luôn bên con, chỉ cần con cũng tin tưởng vào bản thân mình thì điều gì cũng sẽ vượt qua được thôi.
2. Tạo cho nhau tiếng cười
Thực tế và cả khoa học đã chứng minh rằng, kể cả khi chúng ta buồn và không cười tự nhiên được, việc thả lỏng cơ mặt và nở nụ cười dù khiên cưỡng cũng sẽ tự động khiến bản thân thoải mái hơn nhiều. Nụ cười rất quan trọng, trẻ được sống trong một gia đình vui vẻ đầy ắp tiếng cười sẽ luôn hạnh phúc hơn những đứa trẻ mà suốt ngày phải chịu áp lực nặng nề từ mọi phía. Dù hàng ngày các bậc cha mẹ chúng ta cũng phải đối mặt với không ít vấn đề đau đầu nhưng mong bạn đừng mang những áp lực, buồn bực đó về nhà rồi đổ lên đầu con cái. Hãy cùng tập cách bông đùa, vui chơi và giải trí cũng nhau.
3. Luôn sẵn sàng lắng nghe
Dù công việc có bận rộn thế nào, cha mẹ vẫn cần sắp xếp thời gian để tâm sự và lắng nghe con mình chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Khi cha mẹ trở thành một người biết lắng nghe thì không những khiến trẻ tin tưởng và tôn trọng bạn hơn, mà bố mẹ cũng sẽ hiểu con nhiều hơn và có thể đưa ra lời khuyên thực sự phù hợp với con khi cần. Mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, và đặc biệt là bố mẹ sẽ giúp tâm lí và tính cách của trẻ tốt hơn, vui vẻ hơn và tích cực hơn.
4. Dạy con đối diện với vấn đề
Nhiều khi chúng ta lạc quan không phải vì biết rằng mọi chuyện vẫn ổn, mà vì biết mọi thứ đều chưa tốt, nhưng mình sẽ thẳng thắn đối mặt và từ từ giải quyết chúng. Nhiều đứa trẻ rất sợ bố mẹ, nên khi có bài kiểm tra điểm kém hay bị cô giáo phê bình, yêu cầu viết bản kiểm điểm thì tìm mọi cách giấu nhẹm đi bằng được, sinh ra tình trạng luôn phải nơm nớp lo lắng. Nếu trẻ có những hiện tượng như vây thì bố mẹ cần dạy con cách bản lĩnh nhận lỗi về mình và cùng nhau bình tĩnh thảo luận cách giải quyết, có vậy mọi chuyện sẽ tích cực hơn rất nhiều.
5. Biết bao dung và tha thứ
Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ đều sẽ mắc những sai lầm khác nhau. Điều mà cha mẹ cần làm là thấu hiểu, bao dung và tha thứ cho những lỗi lầm của trẻ. Điều này mặc dù rất khó thực hiện nhưng nếu bạn không muốn cả bạn và con đều bị tổn thương thì hãy để quá khứ được ngủ yên, lấy từ đó những bài học và nỗ lực cho hiện tại, hướng về tương lai. Nhiều cha mẹ hay nhắc đi nhắc lại những lần vấp ngã của con, khiến con mặc cảm và tự ti, nên nếu còn thấy mình như vậy thì cha mẹ phải sửa ngay.
6. Thử tập thể dục cùng con
Khi chúng ta tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng các hormones hạnh phúc, khiến tâm trạng trở nên tốt hơn và đánh bay những cơn stress. Việc tập thể dục đều đặn dù chỉ 15 phút mỗi ngày sẽ giúp cho con bạn có một cơ thể khỏe mạnh, có khả năng phòng chống được bệnh tật và duy trì được trạng thái cân bằng trong tâm lý. Để có thể duy trì nó như một thói quen bền vững, tốt nhất là bố mẹ cũng phải tích cực cùng con thực hiện hàng ngày để tạo động lực và truyền cảm hứng cho nhau.
7. Cho con ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp giúp cho con phát triển trí tuệ, tăng sức đề kháng, tăng khả năng tập trung và vô hình chung sẽ tạo nên thái độ tích cực một cách tự nhiên của con đối với cuộc sống xung quanh. Khi có sức khoẻ, chúng ta suy nghĩ hoàn toàn khác với khi mình bị ốm. Cha mẹ nên tạo thói quen cho con uống đủ nước và ít ăn những đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga hay đồ quá ngọt có hại cho sức khoẻ và tinh thần.
8. Không đặt nặng thành tích
Không phải đứa trẻ nào cũng có thể xuất sắc ở tất cả mọi thứ. Vậy nên, khi con đã nỗ lực hết sức mà kết quả chưa được như mong đợi thì đó không phải là lỗi của con. Cái cần bận tâm hơn, đó là việc trẻ đã cố gắng, bền bỉ và vượt qua chính mình như thế nào. Đừng bao giờ để thành tích học tập trở thành một áp lực nặng nề khiến con bạn luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi phải đến trường chỉ để làm hài lòng cha mẹ. Điểm số hay thứ hạng không đi cùng ta mãi, mà niềm vui và lòng ham học hỏi mới là suốt đời.
Kết luận: Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây của Gia Sư Việt đã phần nào giúp bậc phụ huynh trước hết là giảm áp lực cho chính mình, và sau đó là có thể truyền phần nào sự tích cực cho con. Vì cuộc sống đã có quá nhiều điều nặng nề nên chúng ta lại càng phải nhẹ nhàng và yêu thương nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của những người mà trẻ quý mến như bạn bè, thầy cô, họ hàng thân thiết để cùng chia sẻ và giúp đỡ con. Chúc anh chị có thật nhiều niềm vui với hành trình nuôi dạy con của mình!
Tham khảo thêm:
♦ Tuyển chọn 12 trung tâm gia sư Hà Nội uy tín nhất hiện nay
♦ Chia sẻ những mẹo hay giúp con thêm hứng thú khi học Toán
♦ Cách giúp trẻ kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành hiệu quả
Để lại bình luận