Bí quyết giúp học sinh làm tốt bài tập vẽ biểu đồ môn Địa lí 9

Trong hầu hết các bài kiểm tra, bài thi môn Địa lí lớp 9 đều có phần bài tập vẽ biểu đồ. Nếu không có phương pháp nhận diện đúng cũng như cách vẽ chính xác thì chọc sinh rất dễ làm sai và bị điểm kém. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số bí quyết hữu hiệu giúp học sinh làm tốt bài tập vẽ biểu đồ môn Địa lí lớp 9.

I. Biết cách nhận diện biểu đồ

Có rất nhiều biểu đồ khác nhau bao gồm: Biểu đồ tròn, biểu đồ cột, biểu đồ miền, biểu đồ đường, biểu đồ kết hợp…, mỗi dạng biểu đồ lại dùng để vẽ biểu hiện những chủ đề, số liệu, tỉ lệ khác nhau. Thường trong đề bài sẽ không ghi cụ thể học sinh phải vẽ biểu đồ gì, chính bởi vậy nếu không có sự nhận dạng tốt thì học sinh lớp 9 rất dễ vẽ sai biểu đồ, đương nhiên kết quả học tập sẽ bị ảnh hưởng. Sau đây là một số cách nhận diện biểu đồ mà học sinh cần biết để hoàn thành tốt bài tập của mình.

phuong-phap-giup-hoc-sinh-hoc-tot-phan-bieu-bo-mon-dia-ly-9

1. Biểu đồ hình cột

Biểu đồ cột là một trong những dạng biểu đồ phổ biến thường được sử dụng để thể hiện các đại lượng, số liệu tuyệt đối. Sử dụng biểu đồ này, học sinh có thể dễ dàng thấy được sự tương quan giữa các đại lượng. Với dạng biểu đồ này dấu hiệu nhận biết thường xuất hiện là các cụm từ như: So sánh, tính hình, số lượng, sản lượng. Ví dụ: Vẽ biểu đổ thể hiện sản lượng thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2010 – 2017 hoặc vẽ biểu đồ so sánh dân số của 7 vùng địa lí nước ta.

2. Biểu đồ đường

Biểu đồ đường là dạng biểu đồ thường để thể hiện tốc độ tăng trưởng, tiến trình phát triển hay sự biến thiên của các đại lượng theo những mốc thời gian cụ thể. Nếu học sinh lớp 9 thấy trong đề bài thường có các cụm từ như: Tốc độ tăng trưởng, tốc độ phát triển thì chắc chắn dạng biểu đồ cần vẽ là biểu đồ đường. Ví dụ: Vẽ biểu đồ thể hiện tốc tộ trăng trưởng của ngành khai thác than ở nước ta trong giai đoạn 1990 – 2005

3. Biểu đồ hình tròn

Để thể hiện cơ cấu thành phần trong tổng thể và quy mô của một đối tượng nào đó thì người ta sẽ sử dụng biểu đồ tròn. Trước khi vẽ biểu đồ này thì học sinh cần quy đổi, tính toán các đại lượng tuyệt đối ra đại lượng tương đối (theo tỉ lệ %). Biểu đồ này khá dễ nhận biết, chỉ cần nhìn thấy cụm từ: Cơ cấu, quy mô là học sinh có thể biết dạng biểu đồ cần vẽ trong bài kiểm tra, bài thi của mình là biểu đồ tròn. Ví dụ: Vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu các ngành kinh tế của nước ta trong hai năm 2008 và 2009.

4. Biểu đồ miền

Giống như biểu đồ tròn, biểu đồ miền cũng thể hiện cơ cấu của đối tượng nào đó. Tuy nhiên nếu dạng biểu đồ tròn chỉ dụng thể hiện dưới 3 mốc thời gian thì biểu đồ miền thể hiện cơ cấu các đại lượng từ 4 mốc thời gian trở lên. Toàn bộ biểu đồ có hình chữ nhật, tùy vào đề bài mà có số lượng miền khác nhau (thông thường sẽ có từ 2 – 3 miền). Để nhận biết dạng biểu đồ này thì đòi hỏi học sinh phải quan sát và đọc kĩ đề bài, thấy xuất hiện cụm từ cơ cấu và mốc thời gian từ 4 năm trở lên.

5. Biểu đồ kết hợp

Biểu đồ kết hợp thường được sử dụng khi 2 đại lượng có đơn vị khác nhau. Thông thường biểu đồ này là sự kết hợp giữa biểu đồ cột và biểu đồ đường. Dấu hiệu nhận biết của dạng biểu đồ này là đề bài cho các đại lượng với đơn vị khác nhau, nhiều đối tượng.

II. Phương pháp vẽ biểu đồ chuẩn

Sau khi xác định, nhận diện được dạng biểu đồ cần vẽ thì bước thứ 2 mà học sinh cần hết sức chú ý bởi đây là khâu quan trọng nhất là vẽ biểu đồ. Với từng dạng biểu đồ thì cách vẽ cũng có sự khác biệt nhất định, những nhìn chung đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và quan sát tốt.

1. Biểu đồ cột

Với biểu đồ cột, học sinh phải kẻ trục tọa độ, xác định tỉ lệ sao cho thích hợp và cân đối với khổ giấy. Thông thường trục đứng sẽ thể hiện đơn vị của các đại lượng (chẳng hạn như %, tạ, tấn, triệu…) còn trục ngang sẽ thể hiện các đối tượng hoặc các năm. Khi phân chia các năm phải phân chia sao cho khoảng cách hợp lí, khoảng giữa 2 năm kề nhau sẽ nhỏ hơn so với khoảng cách từ 3 – 4 năm rất nhiều. Sau đó vẽ cột biểu thị các đại lượng với đơn vị cụ thế, phải đảm bảo số liệu chuẩn, có chú thích, chú giải, ghi tên biểu đồ.

2. Biểu đồ đường

Với biểu đồ đường thì học sinh bước đầu tiên kẻ trục tọa độ vuông góc, trục đứng biểu thị đơn vị đại lượng, trục ngang ghi các năm. Dựa vào số liệu đề bài cung cấp hoặc thông qua xử lí thì các em tính toán và đánh đấu các mốc trên 2 trục. Nối các dấu mốc số liệu để tạo thành đường thẳng với sự biến thiên theo thời gian. Lưu ý thời điểm năm đầu tiên xuất phát từ chân trục đứng. Sau khi vẽ xong thì cũng cần ghi tên biểu đồ, có đầy đủ chú thích.

3. Biểu đồ hình tròn

Để vẽ biểu đồ hình tròn thì hầu hết học sinh lớp 9 đều cần xử lí số liệu chuyện sang đơn vị %. Tiếp theo đó các em cần xác định bán kính hình tròn sao cho phù hợp với khổ giấy, tính quy mô hình tròn, chia hình tròn thành các hình quạt theo đúng tỉ lệ và thứ tự của các thành phần theo trong đề ra sau đó hoàn thiện biểu đồ hoàn chỉnh.

Qua những chia sẻ bổ ích trên, Gia Sư Việt chúng tôi hi vọng sẽ giúp học sinh lớp 9 khi học môn Địa lí sẽ biết nhận dạng và vẽ biểu đồ chính xác. Vẽ biểu đồ đúng giúp các em đạt điểm cao trong học tập, từ đó yêu thích và hứng thú khi học bộ môn này hơn.

Có thể bạn quan tâm:

♦ Chia sẻ kinh nghiệm học môn Vật lý lớp 9 hiệu quả cao

♦ Giải pháp giúp học sinh lớp 9 tiếp thu môn Toán hiệu quả

Để lại bình luận

Chat Zalo 0964460088