Là bậc cha mẹ ai cũng muốn con mình phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên nếu chẳng may con bị tự kỷ thì cha mẹ chính là người sát cánh, cùng con vượt qua khó khăn để hòa nhập với cuộc sống. Nếu như không trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng, anh chị sẽ cảm thấy vô cùng bối rối, căng thẳng cáu gắt, xen lẫn cảm giác thất vọng tràn trề. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin khái quát về tình trạng tự kỉ, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết. Sau đó chia sẻ giúp cha mẹ các giải pháp hỗ trợ con bị tự kỉ khi bước vào giai đoạn Tiểu học.
1. Tự kỷ là gì? Nguyên nhân gây tự kỷ?
Tự kỷ được là chứng rối loạn hành vi và nhận thức, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kỹ năng, sự phát triển của trẻ. Khi mắc bệnh này, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tạo lập các mối quan hệ xã hội, khả năng giao tiếp, có những hành vi thiếu kiểm soát… Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH 2018, cả nước đang có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Trong đó số lượng trẻ tự kỷ chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt những trẻ bước vào khối tiểu học.
Thực tế hiện tại các bác sĩ vẫn chưa kết luận chính xác nguyên nhân gây tự kỷ đối với trẻ, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho rằng tự kỷ là do rối loạn bộ gen, di truyền hoặc do các yếu tố khác gây nên: Trẻ sinh non trước 37 tuần, do mẹ sử dụng nhiều bia rượu chứa cồn trong thời gian mang thai, trẻ bị ngạt hoặc thiếu Oxy khi sinh… Xét về yếu tố giới tính, theo số liệu thống kê số trẻ nam mắc tự kỷ cao gấp 5 lần số lượng bé gái.
2. Những biểu hiện khi trẻ Tiểu học bị tự kỷ
Tự kỷ hình thành và xuất hiện từ khá sớm, thông thường có những biểu hiện ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Biểu hiện thường thấy trong giai đoạn này là: Trẻ không bập bẹ được từ nào, không phản ứng/ lấy đồ chơi khi được đưa ra trước mặt; khi gọi tên không phản ứng lại, không giao tiếp bằng mắt… Càng lớn thì các biểu hiện tự kỷ của trẻ càng rõ rệt hơn, nếu chịu khó quan sát và để ý thì bạn sẽ dễ dàng nhận biết được một số biểu hiện khi trẻ bước vào lớp 1, 2, cụ thể như sau:
– Trẻ sợ tiếp xúc với mọi người xung quanh bằng mắt, cử chỉ, điệu bộ, ít cười, ít nói hẳn so với bạn cùng trang lứa. Khi nói chuyện trẻ thường né tránh nhìn vào mắt người đối diện. Trẻ cũng sợ kết bạn, chỉ thích chơi một mình. “Người bạn” của trẻ thường là búp bê, gấu bông… nếu bạn giành lấy đồ chơi đó thì trẻ sẽ la hét giận giữ, sau đó lầm lì, không nói năng.
– Có hành vi chống đối trước sự thay đổi môi trường xung quanh mình. Chẳng hạn trẻ dễ giận dữ hoặc hoảng sợ nếu chẳng may đồ đạc trong phòng bị thay đổi. Ở trường trẻ có thể đánh bạn nếu bạn trêu chọc…
– Trẻ thường lặp đi lặp lại 1 vài hành vi: Luôn xếp đồ chơi theo một thứ tự nhất định, chơi với bàn tay trước mắt, vỗ tay hoặc đập đầu vào tường, nhổ tóc, cào cấu chân tay mình…
– Khả năng bắt chước, phản ứng lại trước lời nói của người khác chậm chạp cũng là biểu hiệu cho thấy trẻ có thể bị tự kỷ. Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ của người đối diện. Khi giao tiếp trẻ không sử dụng điệu bộ, cử chỉ, nét mặt không biểu cảm.
Tùy từng trẻ, mức độ nặng nhẹ mà biểu hiện ra bên ngoài sẽ có một vài sự khác nhau nhất định. Nếu không có biện pháp để khắc phục thì đứa trẻ lớn lên sẽ gặp khó khăn trong học tập, lao động, khó tự lập khi trưởng thành, đi kèm với đó có thể là tình trạng: Động kinh, rối loạn ám ảnh, trầm cảm… Tự kỷ ngày càng phổ biến trong xã hội, tuy nhiên trên thực tế thì nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn mơ hồ về chứng tự kỷ ở trẻ. Tại tọa đàm về trẻ khuyết tật Việt Nam có tới 70% phụ huynh khi được hỏi chỉ biết sơ sơ, một chút về tự kỷ.
Đó cũng là lý do khiến nhiều trẻ được đưa đến các trung tâm y tế, bệnh viện có các chuyên khoa tâm thần khi đã lớn, bước vào tuổi tiểu học, trung học… việc điều trị lúc này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Điều mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng cần ghi nhớ là phải luôn sát sao, nhận biết và phát hiện những biểu hiện khác thường của trẻ từ sớm để có cách giúp con mau chóng ổn định tâm lý, hòa nhập với cuộc sống, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
3. Giải pháp khi phát hiện trẻ Tiểu học bị tự kỷ?
Các chuyên gia y tế cho biết trẻ tự kỷ càng can thiệp sớm và đúng cách thì khả năng hòa nhập của trẻ càng tốt. Để càng muộn, thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ thì cơ may trẻ phát triển bình thường là rất thấp. Kiên nhẫn và yêu thương con vô điều kiện là điều mà cha mẹ cần làm để giúp con vượt qua khó khăn. Một số điều cha mẹ cần làm là:
– Kiên trì nói chuyện với con: Sửa cho con từng câu chữ, tập cho con khả năng phản xạ khi giao tiếp để có thể trò chuyện với mọi người xung quanh bình thường. Cha mẹ sẽ là người bạn, nhẹ nhàng chia sẻ, tâm sự với trẻ, kích thích con cởi mở hơn. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với máy tính, điện thoại, thiết bị chơi trò chơi, tivi.
– Cùng con tham gia vận động: Điều này không chỉ giúp con khỏe mạnh về thể chất mà còn tăng cường gắn kết tình cảm gia đình, các hoạt động, cử chỉ của trẻ linh hoạt hơn, bớt chậm chạp so với trước rất nhiều.
– Động viên, khen ngợi: Khích lệ khi con làm được việc gì tốt, hoàn thành bài tập về nhà. Tránh quát mắng, đánh đập, lạnh lùng, thiếu sự quan tâm đến trẻ.
– Đưa con đến các môi trường công cộng: Công viên, chợ, siêu thị, khu vui chơi… đông người qua lại để trẻ dễ hòa nhập hơn. Ngoài ra cho trẻ đến các điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên cũng giúp ích về mặt tâm lý cho trẻ.
Cách điều trị tự kỷ chủ yếu sử dụng liệu pháp hành vi, tuy nhiên trong một vài trường hợp thì cha mẹ cần cho con sử dụng thuốc, các trường hợp đó là: trẻ có hành vi gây hại làm tổn thương cho chính bản thân và những người xung quanh, hành vi của trẻ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập, gây áp lực cho gia đình. Cha mẹ cần phải thảo luận với bác sĩ về việc có nên cho con sử dụng thuốc, cân nhắc lợi – hại của phương pháp này để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Bên cạnh đó việc thuê gia sư dạy kèm cho trẻ Tiểu học bị tự kỷ cũng là giải pháp được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn. Cha mẹ dù có yêu thương con đến mấy nhưng thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ, kỹ năng thì khó có thể giúp đỡ con vượt qua chứng tự kỷ. Tại một số trường đại học sư phạm hiện nay có chuyên ngành Giáo dục đặc biệt đào tạo giáo viên chuyên dạy những trẻ tự kỷ, trầm cảm, thiểu năng trí tuệ. Những gia sư này sẽ không đặt việc truyền thụ kiến thức lên hàng đầu, thay vào đó họ sẽ đưa ra nội dung dạy cởi mở, gần gũi, khơi gợi sự hứng thú của trẻ. Đa phần gia sư dạy học sinh tự kỷ có tính cách ôn hòa, dịu dàng và đặc biệt tính kiên nhẫn cao.
Lời kết: Điều trị tự kỷ ở trẻ nhỏ không thể tính theo ngày, tuần, tháng mà cần tính theo năm. Kiên trì áp dụng các phương pháp đúng sẽ giúp trẻ dần dần hòa nhập, có thể phát triển bình thường. Quan trọng nhất vẫn là tạo cho trẻ môi trường giao tiếp cởi mở, chân thành sẽ là chìa khóa mở ra tương lai tươi đẹp cho trẻ. Chỉ có sự yêu thương mới giúp cha mẹ luôn tìm ra những cách dạy sáng tạo, tìm cách thấu hiểu tâm lý trẻ, giúp trẻ dần tháo bỏ lớp áo cô lập, cởi mở hơn với mọi người xung quanh.
Tham khảo thêm:
♦ Tuyển chọn 12 trung tâm gia sư Hà Nội uy tín nhất hiện nay
♦ Giải pháp nào cho bố mẹ khi con trẻ có biểu hiện trầm cảm?
♦ 9 lời khuyên cho các bố mẹ khi con mắc hội chứng tăng động
Để lại bình luận