Cha mẹ có nên hướng cho con học giỏi toàn diện các môn?

Khi sinh con ra thì bậc cha mẹ nào cũng đều kỳ vọng rằng con cái mình sau này sẽ trở nên giỏi giang, thành đạt. Chính vì thế mà các cha mẹ đều hy sinh rất nhiều tiền bạc, công sức để mong cho con thành tài. Với những đứa trẻ học không giỏi thì dù cha mẹ có cố gắng đến đâu cũng cảm thấy thất vọng. Còn với những đứa trẻ học giỏi thì cha mẹ lại vô hình tạo ra những kỳ vọng quá lớn tới trẻ, đòi hỏi trẻ phải học giỏi toàn diện các môn. Điều đó liệu có thực sự tốt cho trẻ hay không? Bài viết sau của Gia Sư Việt sẽ chia sẻ với các bậc cha mẹ về việc định hướng cho trẻ học tập đạt hiệu quả nhất.

cha-me-co-nen-huong-con-hoc-gioi-toan-dien-cac-mon

I. Tâm lí của cha mẹ khi chạy đua để con được học giỏi toàn diện

1. Cha mẹ muốn con giỏi như thần đồng

Nhiều cha mẹ mong muốn con mình sẽ giống như thần đồng hay thiên tài nên thường quan tâm quá mức đến việc học của con, điều này thể hiện ngay cả trong những lời nói, việc làm hàng ngày với mức độ liên tục khiến cho trẻ thường xuyên phải chịu áp lực về việc học. Cũng có một tâm lí rất phổ biến ở các bậc phụ huynh là suy nghĩ ngày xưa mình thiếu thốn nhiều nên không có điều kiện đầu tư cho học hành, vì thế bây giờ phải nỗ lực hết sức để con được học đến nơi đến chốn. Bởi vậy nên đến khi thấy con có tiềm năng thì họ không thể nào dừng lại việc nuôi hy vọng về một “ngôi sao” chói sáng.

2. Kỳ vọng cũng đến từ bệnh thành tích

“Căn bệnh thành tích” trong giáo dục Việt Nam đã tồn tại khá lâu và vẫn đang tiếp diễn không ngừng. Khi cuộc sống kinh tế ngày càng phát triển thì căn bệnh này cũng lây lan mạnh mẽ hơn. Các bậc cha mẹ luôn cố gắng trang bị cho con những thứ tốt nhất với hy vọng trẻ có thể đạt được những thành tích cao nhất. Chính vì vậy, trẻ phải đi học thêm các môn học từ rất sớm; không chỉ là toán, văn, ngoại ngữ,… để phục vụ việc học tập ở trường mà còn là rất nhiều các môn năng khiếu như đàn, hát, vẽ, múa… nhằm khiến trẻ có thể trở thành người tài năng, toàn diện, luôn nổi bật và nằm trong top cao nhất.

3. Kết quả là bắt ép con học một cách quá đà

Cha mẹ cũng có lí riêng của mình khi đốc thúc con vì nếu tiềm năng mà không được khui rèn thì không thể nào toả sáng, tuy nhiên nếu việc đó trở nên quá đà cũng sẽ không hay một chút nào. Từ hy vọng thành tham vọng, cha mẹ tự mình quyết định việc chọn các lớp học, thời gian học cho con mà không hề quan tâm xem trẻ có thực sự yêu thích, tiếp thu được tốt và phát huy được nhiều năng lực ở môn học này hay không. Có nhiều đứa trẻ có khả năng học giỏi môn Tiếng Anh nhưng lại không thể học giỏi đàn. Tuy vậy, chúng không có quyền được từ chối việc học đàn mà buộc phải gồng mình lên luyện ngày luyện đêm để thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ.

II. Những ảnh hưởng nặng nề đến trẻ khi phải học quá nhiều thứ

1. Trẻ gánh chịu áp lực quá tải

Áp lực mà những đứa trẻ nhận được từ sự kỳ vọng của cha mẹ là vô cùng lớn. Điều này khiến trẻ hoàn toàn không nhận thức được niềm vui từ việc học hành hay những năm tháng hồn nhiên của tuổi cắp sách đến trường mà lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản thậm chí có nhiều trẻ còn bị mắc chứng bệnh trầm cảm, ghét việc phải đến trường đi học. Riêng việc học quá nhiều môn đã là đủ áp lực, nhưng ở đây thậm chí chúng còn có nhiệm vụ phải giỏi đều tất cả các môn nữa thì thật là quá nặng nề cho những đứa trẻ còn bé nhỏ như vậy.

2. Trẻ thiếu hụt kĩ năng mềm

Thực tế đã chứng minh có rất nhiều trẻ học giỏi toàn diện các môn theo đúng kỳ vọng của cha mẹ nhưng trẻ lại thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản, không thể làm một cái gì khác ngoại trừ việc học. Bước ra khỏi trang sách trang vở và vòng tay của bố mẹ thì kĩ năng giao tiếp không có, kĩ năng thuyết trình và nói trước đám đông bằng không, kĩ năng tự chăm sóc bản thân cũng không, kĩ năng sáng tạo và triển khai những ý tưởng mới lạ có lẽ cũng là điều xa vời. Điều đó về lâu dài sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường khi trẻ trưởng thành và buộc phải tự mình đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống.

tre-co-tre-nguy-co-mac-benh-khi-phai-chiu-ap-luc-qua-lon

3. Trẻ mất kết nối với cha mẹ

Các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng mình lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, tận tình đưa đón con chạy hết từ nhà cô này đến thầy kia để đi học thêm và có mặt trong vô vàn cuộc thi của con nghĩa là hai bên trở nên thân thiết. Thời gian ở bên nhau không quan trọng bằng chất lượng của số thời gian ấy. Nếu trong ngần ấy những giây phút đó, cha mẹ và con không tâm sự với nhau về những điều mình thật sự nghĩ, mở lòng ra kể cả tâm tư sâu thẳm nhất, cùng trải qua những khoảnh khắc hết mình ở các hoạt động ngoài lề việc học hành thì kết quả là khi những năm tháng học phổ thông kết thúc, trẻ bước ra ngoài tự trải nghiệm cuộc sống thì nhìn lại chỉ thấy toàn tiêu cực với bố mẹ vì đã đơn phương ép buộc mình quá nhiều.

4. Trẻ hoang mang về định hướng

Người ta khó chọn nhất là có quá nhiều sự lựa chọn. Cái gì cũng học, cái gì cũng biết, nhưng đâu là thứ trẻ thích nhất, đâu là điều mà chúng sẽ hạnh phúc nếu được làm nó cả đời? Chỉ có chính các con mới đưa ra được câu trả lời cho mình. Nhưng suốt bao năm tháng chỉ làm theo ý của cha mẹ, thì đến lúc chúng muốn theo đuổi cái riêng của mình một cách nghiêm túc cũng rất khó, đặc biệt là khi phải chọn ngành nghề để học đại học. Bởi xung quanh những người cùng đam mê lĩnh vực đó đã tiến rất xa vì có sự tập trung từ đầu, còn mình thì không chuyên sâu vào bất cứ cái gì nên thành ra không biết nên tiếp tục phát triển ở đâu.

III. Điều cha mẹ cần làm để con mình thể hiện được hết khả năng

1. Bớt ham muốn kiểm soát từ bản thân

Là bậc làm cha mẹ, có nhiều sự kỳ vọng vào con cái là điều hoàn toàn hiển nhiên, nhưng lời khuyên dành cho các đấng sinh thành là nên kìm nén những ham muốn cá nhân, giảm bớt những băn khoăn, lo lắng về tương lai của trẻ để cho trẻ có thể được tự do thể hiện sở trường của mình trong các môn học. Ý kiến của cha mẹ rất quan trọng, nhưng nó sẽ chỉ hỗ trợ và đóng góp vào sau các quyết định từ chính con đưa ra. Sau tất cả, cha mẹ không thể kiểm soát con cả đời mà chúng cũng sẽ lớn và phải tự bay, nên cha mẹ hãy tôn trọng việc tự con muốn học những gì và học như thế nào.

2. Quan tâm và lắng nghe nỗi lòng của con

Cha mẹ nên quan tâm đến khả năng, tính cách của con mình cũng như xem trẻ yêu thích môn học nào mà có kế hoạch giúp con học tập và phát triển môn học đó chứ đừng nên quan tâm đến điểm số các môn học ở trường một cách thái quá. Điều cha mẹ cần làm là nên gần gũi chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn trong việc học tập của con. Có một sức khoẻ tâm lí tốt sẽ tạo động lực để con người ta học tập tốt hơn và luôn muốn theo đuổi việc học lâu dài. Vì vậy, cha mẹ cần tích cực có những cuộc nói chuyện sâu với con để hai bên hiểu nhau và có những gắn kết chặt chẽ trong cảm xúc.

Kết luận: Việc con học giỏi đều hay con chỉ phát huy thế mạnh vượt trội ở một lĩnh vực thật ra đều tốt. Con mình như thế nào, khả năng học ra sao thì hãy cứ để trẻ được sống thật với năng lực thực sự để chúng nhanh tiến bộ và tự toả sáng. Mong rằng qua bài viết này của chúng tôi, các bậc cha mẹ sẽ có được những cái nhìn đúng đắn về việc có nên hướng cho con học giỏi toàn diện các môn hay không. Cuối cùng, trong trường hợp anh chị cần tìm người giúp đỡ con bổ sung kiến thức về các môn học, hãy liên hệ với Gia Sư Việt qua hotline 096.446.0088 – 090.462.8800 để được chúng tôi hỗ trợ ngay nhé.

Tham khảo thêm:

♦ Phương pháp giáo dục vừa chơi, vừa học đối với trẻ Mầm non

♦ Vì sao nhiều phụ huynh ngăn cản con học Vẽ và liệu có đáng?

Tuyển chọn 6 trung tâm gia sư quận Long Biên chất lượng nhất

Bình luận (1)

  • Mỹ Huyền: 

    Bài viết phản ánh đúng thực trạng hiện nay, tôi không ép con học quá nhiều, chỉ những môn học nào quan trọng như Toán, Tiếng Anh

    Trả lời

Để lại bình luận

Chat Zalo 0964460088