Ở các nước tiên tiến, các bậc phụ huynh luôn chú trọng việc ở phía sau động viên con tự khám phá thế giới của chính mình thay vì làm giúp con mọi thứ. Với quan niệm rằng điều này sẽ giúp đứa trẻ có thể trưởng thành và mạnh mẽ hơn trước sóng gió. Họ giáo dục con rất bài bản về đức tính tự lập, không hình thành suy nghĩ ỷ lại vào người khác, tự xây dựng cuộc sống và chịu trách nhiệm về nó. Tuy nhiên, muốn làm được tốt điều này đòi hỏi ba mẹ phải có một số kỹ năng và phương pháp, vì vậy xin mời quý phụ huynh hãy cùng Gia Sư Việt tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé.
Mục lục
I. Những rào cản trước quyết định dạy con không ỷ lại
Tâm lý nuôi dạy con phổ biến của người Việt Nam là con cái luôn luôn nhỏ bé, cần được chở che. Có nhiều phụ huynh mong muốn dùng kinh nghiệm sống của mình để giải quyết thay con do không muốn con gặp vất vả, khó khăn. Tuy nhiên, đã đến lúc con phải tự mình trải nghiệm thử thách và xử lí tất cả tình huống xảy ra. Cha mẹ nên từ bỏ một vài thói quen như luôn bên con như vệ sĩ, luôn nhượng bộ con, chuẩn bị mọi thứ cho con, không tôn trọng sự độc lập của con. Những thói quen này nếu lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến bé trở nên thụ động và luôn muốn đòi hỏi.
Mặt khác, bạn cần phân biệt khái niệm giúp con tự lập với nghiêm khắc quá mức trong quá trình dạy con. Việc bạn căng thẳng hoặc la mắng sẽ khiến bé thêm trốn tránh và hoảng sợ. Bạn cần nhẹ nhàng và trở thành người bạn đồng hành cùng bé, giúp bé có niềm tin vào bản thân. Và khi bé học cách tự lập, cha mẹ cũng không nên mặc kệ con hoàn toàn, để con tự mò mẫm mà phải chỉ dẫn cho con những lúc giai đoạn mới bắt đầu, hoặc khi mãi mà không làm được việc gì đó… Bố mẹ sẽ đưa ra những gợi ý, lời khuyên, hoặc khích lệ cần thiết cho con mình.
II. Các bí quyết để giáo dục con đức tính tự lập hiệu quả
1. Cho trẻ thứ trẻ cần thay vì thứ trẻ muốn
Một yếu tố cốt yếu trong việc tạo thành thói quen ỷ lại chính là cha mẹ luôn luôn đồng ý tất cả những gì trẻ muốn. Điều này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy tự hào vì cho rằng bé sẽ cảm thấy được yêu thương và cha mẹ đã làm tròn nghĩa vụ với con. Tuy vậy, đây lại chính là thói quen làm hư trẻ, nếu bị cha mẹ từ chối, bé sẽ dễ dàng có thái độ khó chịu, khóc lóc và không thể đàm phán được. Điều đó dần dần tạo nên thói quen yếu đuối cho trẻ cũng như cho rằng mình là nhất và ai cũng phải đồng ý với mình.
Thay vì chiều chuộng mọi yêu cầu của con, bạn chỉ nên dành cho bé những gì phù hợp nhất và với cả điều kiện xem xét của cha mẹ. Để con hiểu rằng không có gì là dễ dàng mà để đạt được điều mình muốn, mà phải có đủ nỗ lực. Cha mẹ hãy thử thách con bằng cách yêu cầu bé đưa ra những lí do hợp lí để thuyết phục mình, nhờ vào đó bé sẽ phải nghiêm túc suy nghĩ và có động lực để cố gắng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, bạn lưu ý là luôn giữ bầu không khí nhẹ nhàng tránh gây áp lực cho bé.
2. Để trẻ được tự bước ra khỏi vùng an toàn
Hãy mạnh dạn cho con tự lựa chọn, thực hiện và có hội học tập từ những thất bại, va vấp sẽ dạy trẻ cách làm tốt hơn ở lần sau. Cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ vài công việc thật sự phù hợp với khả năng, sức khỏe, độ tuổi cũng như tầm hiểu biết của trẻ, đơn giản như giúp mọi người làm việc nhà: Học cách lau một cái thìa, nhặt nhạnh rác rơi trên sàn, rồi dần dần đến quét được nhà, rửa được bát,… Từ những điều nhỏ nhất đó sẽ trở thành tự đi chợ mua đồ về nấu, tự tay trang trí nhà cửa ngày lễ, tự thiết kế một sản phẩm cho môn học, tự ứng cử vào các vị trí quan trọng trên trường lớp,…
3. Rèn luyện việc tự lập thành thói quen cho trẻ
Một công việc cần được làm đi làm lại trên 30 lần để trở thành thói quen. Ví dụ bạn muốn cho bé tự dậy sớm và vệ sinh cá nhân, bạn nên kiên nhẫn cho bé thực hành mỗi ngày và chỉ hướng dẫn chứ không làm thay bé. Có thể bé sẽ mè nheo đòi bạn làm giúp, khi đó bạn cần giải thích cho bé hiểu vì sao bé nên tự làm một mình. Bạn động viên con rằng điều đó chứng tỏ bé rất giỏi, khiến bạn cảm thấy tự hào về bé vì bé đã giúp cha mẹ đỡ vất vả hơn. Và đừng quên đánh dấu những sự cố gắng của bé trong suốt quá trình bằng món quà nhỏ để bé thích thú muốn được tự lập nhiều hơn.
4. Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con trẻ
Các con dù còn nhỏ vẫn là một thành viên đầy trách nhiệm trong gia đình, chúng cần phải hiểu rằng không chỉ bản thân mà tất cả các thành viên khác đều có nghĩa vụ của mình. Khi cha mẹ yêu cầu con có ý thức trách nhiệm với các công việc nhà, chính cha mẹ cũng phải làm tròn nhiệm vụ của người lớn như thực hiện các việc khó hơn: Nấu cơm, giặt giũ, sửa máy móc,… còn con đảm nhận việc nhỏ như tự dọn đồ chơi sau khi chơi xong, xếp ghế lại ngay ngắn sau khi cả nhà ăn cơm chẳng hạn. Nếu ở trong môi trường tự giác cao thì trẻ cũng sẽ tự giác, còn khi thấy bố mẹ thất hứa, chểnh mảng, bé cũng quên ngay nghĩa vụ vì nghĩ rằng chúng chẳng còn quan trọng nữa.
5. Nêu rõ mục đích, cách thức, quyền lợi của trẻ
Khi giao việc cho trẻ, cha mẹ cần giao hạng mục nhiệm vụ thật dễ hiểu, phân thích rõ mục tiêu và từng bước chi tiết cho trẻ. Tránh việc để trẻ cảm thấy quá mơ hồ và khó thực hiện dẫn đến không chịu hợp tác. Lấy một ví dụ như khi cha mẹ giúp bé chuẩn bị cho buổi đi dã ngoại với lớp, nếu con chưa biết thì phụ huynh cần giải thích rằng mục đích đề ra là con được ăn no, được tránh nắng và liên lạc được với người lớn. Từ đó, bố mẹ đặt câu hỏi để con nghĩ ra với mỗi tiêu chí thì mình sẽ phải mang những món đồ gì và cũng như chốt lại bằng cách dặn con nhớ kiểm lại đồ cẩn thận trước khi về.
6. Tích cực cho con bạn tham gia hoạt động xã hội
Bạn nên thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội để rèn luyện tư duy và thể chất toàn diện. Đó là môi trường trẻ được học cách tự xử lý tình huống một mình, cách phòng vệ, biết quan tâm và hợp tác với người khác. Có rất nhiều chương trình hay cho các bé như cuộc thi/ lớp/ trại hè kĩ năng, khóa tu ngắn ngày, chuyến đi thiện nguyện thực tế,… Thay vì bám lấy bố mẹ, các con được thả ra cùng các bạn đồng trang lứa và tự mình xoay xở. Bố mẹ nên chọn lọc các chương trình uy tín, chất lượng nhằm giúp trẻ gặp gỡ và tiếp xúc nhiều hơn với những bạn thông minh, tháo vát, tự lập, nhờ đó bé học hỏi và có động lực cố gắng.
Kết luận: Tính ỷ lại khiến trẻ không đủ mạnh mẽ để đối diện với những thách thức đặt ra, đây chính là vật cản trên con đường phát triển và thành công sau này. Do đó cha mẹ cần phương pháp khoa học để định hướng, động viên trẻ tự khám phá cuộc sống, phát huy tinh thần tự giác. Việc biết suy nghĩ và làm việc độc lập cũng cực kì có lợi với việc học tập của trẻ và Gia Sư Việt xin chúc các con lớn lên thật cứng cáp, tích cực… Ngoài ra, nếu con bạn cần bổ sung kiến thức các môn học, chúng tôi sẽ cung cấp gia sư giỏi và giàu kinh nghiệm giúp con tiến bộ nhanh chóng.
Tìm hiểu thêm:
♦ 4 phương pháp giúp giáo viên cải thiện hiệu quả giảng dạy
♦ Gợi ý các bố mẹ Việt Nam dạy con 4 kĩ năng “chuẩn quốc tế”
Để lại bình luận