4 phương pháp giúp học sinh THPT tăng khả năng tự chủ

Có thể cho rằng, kỹ năng tự chủ là một trong số những kỹ năng quan trọng nhất cần giáo dục cho học sinh THPT. Đây là tiền đề vững chắc để học sinh có thể đạt được những mục tiêu to lớn hơn trong tương lai. Tuy vậy, không dễ để các em có thể rèn luyện thành công kỹ năng tự chủ, bởi ở tuổi này, con người ta chưa có suy nghĩ thấu đáo, dễ bỏ cuộc khi chán nản, không kiên trì đến cùng nếu như chưa thấy tác động tích cực nào đó. Trong bài viết này, Gia Sư Việt sẽ bàn về vai trò của tự chủ, và gợi ý cho các em cách để có được kĩ năng này.

ki-nang-tu-chu-cua-hoc-sinh-THPT

I. Lí do tự chủ quan trọng với học sinh THPT

Ở độ tuổi này, các em đang trải qua nhiều thay đổi tâm sinh lí trong bước chuyển giao từ thiếu niên – người lớn. Nhiều em thay đổi hẳn tính nết, đến mức không thấu hiểu được cả chính mình, thành ra có nhiều hành vi nổi loạn, có những hành động không nên. Chúng ta hoàn toàn không thể trách các em, vì những bất ổn đó là thứ nhất định ai cũng phải trải qua, để sau này có thể hiểu được giá trị của kỉ luật với bản thân, dần dần mà chín chắn, trưởng thành.

Tuổi nào thì cũng có những áp lực. Nói về những vấn đề mà hầu hết học sinh THPT gặp phải, nó không chỉ là các kì thi, áp lực điểm số, lo lắng về tương lai, hay những ẩm ương của tình yêu đầu đời,… mà sâu thẳm đó còn là việc chúng phải đấu tranh với bản ngã, để lột xác, trở nên tự lập hơn, mạnh mẽ hơn mỗi ngày. Sống kỉ luật sẽ là chìa khoá cho điều ấy. Nếu sớm nhận thức được như vậy và biết đặt mục tiêu để không ngừng hoàn thiện bản thân, các em sẽ có xuất phát điểm vững vàng để sẵn sàng đối mặt với những cánh cổng cao hơn, rộng hơn đằng sau mái trường cấp 3 của mình.

II. Lợi ích khi học sinh THPT làm chủ bản thân

  • Đứng dậy tập thể dục dù là vào ngày nghỉ dù có thể chọn nằm lì trên giường, ngủ cả ngày, hoặc ăn vặt, xem phim.
  • Thức dậy sớm hơn, chuẩn bị bữa sáng, dọn dẹp lại căn phòng của mình, viết ra kế hoạch các việc cần làm trong ngày.
  • Cần cù bù thông minh, luyện nhiều dạng bài tập hơn, thảo luận bài khó với thầy cô và các bạn, chăm chỉ tự học.

Không phải điều gì to tát, mà kĩ năng tự làm chủ bản thân, hay sống có kỉ luật, luôn đến từ những việc rất nhỏ như vậy. Người ta nói: “Kỷ luật là tự do”. Có kỉ luật, con người ta kiểm soát được cuộc sống của mình, điều chỉnh được mọi thứ đi đúng hướng, từ đó mà tâm trạng tốt hơn, sống thoải mái và phát triển lành mạnh. Đó chính là cái tự do mà tự chủ đem lại. Nó khác nhiều so với “tự do” của việc sống phóng túng, nuông chiều cảm xúc quá đà, bởi khi ấy, thứ ta nhận lại chỉ là sự chông chênh, làm việc không tới nơi tới chốn, luôn phải lo lắng và bất an.

III. Cách rèn đức tính tự chủ cho học sinh THPT

1. Tất cả xuất phát từ nhận thức

Các em cần ý thức được những vấn đề cốt yếu như: mình là ai, mình cần làm gì và hướng tới những giá trị gì. Khi đã nhận định được những điều đó, các em sẽ ý thức được mình cần phải làm gì là đúng đắn. Quá trình này đòi hỏi các em phải luôn tự xem xét, phân tích và đưa ra kết luận về chính bản thân mình. Có kỹ năng nhận thức, các em mới xác định được mục tiêu, tham vọng, ước mong của mình. Đây sẽ là động cơ cực kì lớn để em chịu được kỉ luật, sẵn sàng điều chỉnh bản thân để đạt được điều mình mong muốn.

2. Thay đổi trong hành động nhỏ

Tự chủ, trước hết cần chỉn chu hơn một chút khi đi ra ngoài, để ý cái tác phong, quần áo, đầu tóc phù hợp với môi trường và lứa tuổi; điều chỉnh thái độ lễ phép, tôn trọng người lớn, mà đầu tiên là gia đình và thầy cô; mở lòng và trò chuyện, chia sẻ với bạn bè… Còn đối với chính bản thân mình, hãy động viên mình cố gắng thêm một chút mỗi ngày. Thử mỗi sáng mỉm cười trước gương, tập thể dục 5’, ngủ sớm hơn 5’, bớt tiêu vặt đi 5000đ,… Dễ đúng không? Nhưng sau 1 tháng, 1 năm, thứ các em nhận về sẽ rất nhiều đấy.

3. Kiên định với mục tiêu của mình

Tự chủ là cuộc đua đường dài. Nếu muốn chiến thắng, phải sống có mục đích, mục tiêu phấn đấu và theo đuổi nó đến cùng. Là học sinh, muốn tự chủ được bản thân thì nhất định phải có mục tiêu rõ ràng cho việc học tập của mình. Mục tiêu phải bám sát từng mốc thời điểm, có thể đi từ từng tuần, tháng, kỳ học đến cả năm học. Nên có những mục tiêu lớn, mục tiêu nhỏ, phân chia và ưu tiên chúng cho hợp lí. Khi có mục tiêu, cần tiếp tục lên kế hoạch thực hiện, đầy đủ và chi tiết. Bước cuối cùng, và quan trọng nhất, là cần nỗ lực, kiên trì với mục tiêu mà mình đã đề ra, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch.

4. Biết làm chủ cảm xúc thật tốt

Không mắc phải bất cứ sai lầm nào là điều hoàn toàn bất hợp lý và vô cùng khó khăn đối với không riêng gì học sinh THPT. Chắc chắn sẽ có nhiều lúc các em cảm thấy chán nản khi có một mục tiêu không được như dự định: bị điểm kém, đoạt giải thấp ở kỳ thi chọn học sinh giỏi, không săn được học bổng mình đã theo đuổi từ lâu, bị từ chối tình cảm, hay đơn giản như, không đủ kiên trì và nghị lực để bám sát kế hoạch của bản thân. Khi đó, các em sẽ dễ rơi vào tình trạng chán nản, buồn bực và muốn buông xuôi.

Khi đó, hãy thử bày tỏ nỗi lòng của bản thân với những người đáng tin cậy, tự tĩnh tâm để đối thoại với chính mình, viết nhật kí, trang trí lại sổ kế hoạch thật đẹp, ghi lại những điều đáng tự hào bản thân đã làm được. Hoặc nhiều bạn có thể chọn cách đi lòng vòng quanh các con phố, hoà vào dòng người, tìm về với thiên nhiên để được xoa dịu. Sau đó, hãy hít một hơi thật sâu, xốc lại động lực và hãy từ từ từng bước nỗ lực tiếp thôi nào. Thấu hiểu chính mình và biết bao dung với chính mình là cách tốt nhất để có thể tự xoa dịu cảm xúc.

Kết luận: Tự làm chủ bản thân là kĩ năng luôn cần thiết và cần được rèn luyện không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ luôn có những khó khăn, trở ngại, những cám dỗ rình rập để khiến các em sa ngã, chệch hướng. Khi đó, hãy để sự kiên quyết theo đuổi mục tiêu, sẵn sàng hy sinh những thú vui nhất thời để hoàn thành kế hoạch giúp các em trở nên mạnh mẽ và tôi luyện được khả năng chịu đựng cũng như tính kiên nhẫn. Gia Sư Việt luôn ở đây đồng hành cùng các em trên con đường trưởng thành!

Tham khảo thêm:

Kinh nghiệm giải quyết tình trạng con nghiện game, mạng xã hội

♦ Phương pháp giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh THPT hiệu quả

Biện pháp quản lý & kiểm soát học tập của con mà không cần gia sư

Bình luận (1)

  • chính: 

    ? cần cù bù siêng năng

    Trả lời

Để lại bình luận

Chat Zalo 0964460088